BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/2019/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 11 năm 2019
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2018/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM
2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 107/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ
đánh giá sự phù hợp;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP
ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Nghị định số 154/2018/NĐ-CP
ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số
quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát
triển thị trường nông sản;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính
phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Nghị
định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của
Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ (sau đây gọi là Nghị định số 109/2018/NĐ-CP) gồm các nội dung sau:
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp số đăng ký của Tổ
chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
2. Đánh giá để cấp và giám sát sau khi cấp Giấy chứng
nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ của Tổ
chức chứng nhận.
3. Quy định về lấy mẫu và thử nghiệm mẫu sản phẩm
nông nghiệp hữu cơ.
4. Kiểm tra chất lượng, thu hồi và xử lý sản phẩm
nông nghiệp hữu cơ không đảm bảo chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân
có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp
hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
để cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng
nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chịu trách nhiệm chủ trì
thẩm định để cấp, cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động
chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ (sau đây gọi là Giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động).
2. Tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
(sau đây gọi là Tổ chức chứng nhận) đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ thuộc một (01) lĩnh vực nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên ngành của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:
a) Tổng cục Thủy sản là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối
với lĩnh vực thủy sản.
b) Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối
với lĩnh vực lâm nghiệp.
c) Cục Trồng trọt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối với
lĩnh vực trồng trọt.
d) Cục Chăn nuôi là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối với
lĩnh vực chăn nuôi.
3. Tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận
sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ hai (02) lĩnh vực trở lên, lựa chọn 01 cơ quan
chuyên ngành trong lĩnh vực đăng ký hoạt động chứng nhận để nộp hồ sơ. Cơ quan
tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để thực hiện cấp Giấy
chứng nhận đăng ký hoạt động.
4. Tổ chức chứng nhận đăng ký cấp lại, cấp bổ sung,
sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thực hiện nộp hồ sơ theo quy định tại
khoản 2, khoản 3 Điều này.
5. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động
thông báo công khai tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của cơ quan cấp
chậm nhất sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày cấp.
Điều 4. Số đăng ký của Tổ chức
chứng nhận
1. Số đăng ký của Tổ chức chứng nhận là mã số đăng
ký ghi trong Mẫu số 01 của Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP.
2. Mỗi số đăng ký chỉ cấp cho một Tổ chức chứng nhận
và không thay đổi trong trường hợp cấp lại, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động.
3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan
cấp và quản lý số đăng ký.
Điều 5. Hoạt động của Tổ chức
chứng nhận
1. Phương thức đánh giá để cấp
và giám sát sau khi cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu
cơ thực hiện theo điểm đ khoản 1 Điều 5 (Phương thức 5)
Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ
Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương
thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và TCVN 12134:2017 Nông
nghiệp hữu cơ - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế,
tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận tại Việt Nam.
2. Sản phẩm nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân đã
được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì được sử dụng dấu sản
phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã được chứng nhận.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn
nước ngoài về nông nghiệp hữu cơ để tiêu thụ trong nước phải được chứng nhận bởi
tổ chức chứng nhận có đủ điều kiện theo quy định khoản 2 Điều
9 Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Điều 6. Kiểm tra chất lượng sản
phẩm nông nghiệp hữu cơ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
1. Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp
hữu cơ theo kế hoạch được phê duyệt hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
2. Kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản
phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và
các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 7. Quy định về lấy mẫu sản
phẩm nông nghiệp hữu cơ
1. Người lấy mẫu phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng
nhận về lấy mẫu hoặc chứng nhận tham gia đào tạo, tập huấn có nội dung về lấy mẫu
đối với đối tượng mẫu tương ứng.
2. Việc lấy mẫu thực hiện theo TCVN tương ứng với đối
tượng mẫu và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8. Thử nghiệm mẫu sản phẩm
nông nghiệp hữu cơ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
1. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành sử dụng phương
pháp thử nghiệm nhanh đã được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chấp thuận hoặc phê duyệt để xác định các chất ngoài danh mục được phép sử dụng
tại TCVN 11041, các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước
ngoài được Việt Nam chấp thuận.
2. Kết quả thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh là kết
quả ban đầu, chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các kiểm nghiệm khẳng định
tiếp theo trong phòng thử nghiệm. Không sử dụng kết quả thu được từ thử nghiệm
bằng bộ xét nghiệm nhanh làm cơ sở để xử lý vi phạm.
3. Mẫu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có kết quả dương
tính khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh phải được kiểm nghiệm khẳng định tại phòng
thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm và được công nhận hoặc chỉ định theo
quy định của pháp luật để kết luận.
4. Mẫu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được kiểm nghiệm
khẳng định tại phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm và được công nhận
hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật; kết quả phân tích mẫu dương tính với
chất ngoài danh mục bị coi là vi phạm.
Điều 9. Thu hồi sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ không đảm bảo chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
1. Trường hợp phải thu hồi sản phẩm nông nghiệp hữu
cơ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số
109/2018/NĐ-CP.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải xây dựng
kế hoạch thu hồi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không đảm bảo chất lượng.
3. Các hình thức thu hồi sản phẩm nông nghiệp hữu
cơ không đảm bảo chất lượng:
a) Thu hồi tự nguyện do tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh thực hiện;
b) Thu hồi bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
Điều 10. Xử lý sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ không đảm bảo chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
1. Xử lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bị thu hồi thực
hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số
109/2018/NĐ-CP.
2. Xử lý vi phạm đối với các hành vi không bảo đảm
chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thực hiện theo quy định của pháp luật
về xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan đến chất lượng sản phẩm
hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản
có trách nhiệm:
a) Tham mưu, tổng hợp về hợp tác quốc tế, phát triển
nông nghiệp hữu cơ.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý các vấn đề
vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Thông tư.
2. Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công
tác kiểm tra, đánh giá, giám sát tổ chức chứng nhận và chất lượng sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ;
b) Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ để cấp, cấp lại,
cấp bổ sung, sửa đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản
phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ theo lĩnh vực được phân công;
c) Thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng nhận sản phẩm
nông nghiệp hữu cơ của Tổ chức chứng nhận đảm bảo sự minh bạch theo quy định của
pháp luật;
d) Thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sản
phẩm nông nghiệp hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách
nhiệm:
Cấp số đăng ký cho tổ chức chứng nhận theo đề nghị
của Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra hoạt động chứng nhận của
các Tổ chức chứng nhận hoạt động trên địa bàn.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên
ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các cơ sở sản xuất,
kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu
cơ trên địa bàn quản lý.
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18
tháng 12 năm 2019. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn được
dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản
mới thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
2. Tổ chức chứng nhận đã được cấp Giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định của Nghị
định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của
Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp phải
đăng ký lại theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP
sau khi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hết hiệu lực.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư này,
nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân kịp thời thông tin về Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ NN và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, CBTTNS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Thanh Nam
|