Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 248/KH-UBND năm 2021 triển khai Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 248/KH-UBND
Ngày ban hành 30/09/2021
Ngày có hiệu lực 30/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Trần Đức Quý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/KH-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ - TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 02-8-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025;

Căn cứ Thông báo số 102/TB-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh thông báo kết luận phiên họp UBND tỉnh tháng 5 năm 2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 11-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 01 khu du lịch cấp tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 7800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp.

- Phấn đấu đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.

2. Yêu cầu

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch nhằm chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm trong công tác phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tích cực chủ động lồng ghép các Chương trình, Dự án, Kế hoạch của ngành, địa phương triển khai kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đề ra; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, từ đó hình thành lối ứng xử văn minh, thân thiện, bảo vệ hình ảnh, môi trường cảnh quan thiên nhiên, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang xác định du lịch là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong công tác truyền thông của tỉnh.

- Triển khai kế hoạch lồng ghép, đẩy mạnh việc đưa nội dung tuyên truyền và giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của tỉnh gắn với các chương trình ngoại khóa trong trường học.Xây dựng nội dung đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch thành chuyên đề đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

2. Phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng có tính cạnh tranh cao

- Nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; thường xuyên điều tra khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch. Liên kết phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế sau khi dịch Covid – 19 được kiểm soát.

- Xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo ba không gian du lịch với các loại hình: Du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp; du lịch thể thao mạo hiểm; nghiên cứa giáo dục các giá trị địa chất dựa trên giá trị văn hóa của 19 dân tộc, di tích lịch sử, di sản, danh thắng, nhất là công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, mặt trận phía Tây Vị Xuyên...

- Đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch.

- Phát triển các làng nghề truyền thống; các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP, quà lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

- Xây dựng một số chợ đêm, các phố đi bộ tại các huyện, thành phố phục nhu cầu mua sắm và tham quan của khách du lịch.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn với các Công viên địa chất toàn cầu trong và ngoài nước; chú trọng việc liên kết trong tỉnh: giữa điểm du lịch với điểm du lịch, liên kết chuỗi dịch vụ cung ứng, liên kết hỗ trợ về thông tin, nhân lực du lịch.

- Xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang

3. Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch

[...]