Kế hoạch 248/KH-UBND năm 2015 về thu gom, trợ giúp đối tượng lang thang trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020

Số hiệu 248/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2015
Ngày có hiệu lực 10/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Thiện
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, TRỢ GIÚP ĐỐI TƯỢNG LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2015-2020

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thu gom, trợ giúp đối tượng lang thang trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình và xã hội trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm đối với đối tượng lang thang, góp phần ổn định trật tự, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm tiếp nhận thu gom ít nhất 80% số người lang thang ăn xin, người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh vào các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh hoặc đưa về gia đình, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

- Phấn đấu đến năm 2020, không có người lang thang trên địa bàn tỉnh.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh

2. Đối tượng

a) Người lang thang xin ăn; người bệnh tâm thần đi lang thang;

b) Những người lang thang khác;

c) Người đánh giày, bán báo, bán vé số dạo, người hát rong, bán hàng rong có hành vi chèo kéo, tranh dành, đeo bám, ép mua, ép giá khách, giới thiệu mời mọc mua bán quá mức gây khó chịu, phiền phức, đặc biệt tại các điểm du lịch, điểm tâm linh, cơ sở kinh doanh ăn uống, khu vui chơi giải trí...

(sau đây gọi chung điểm a,b,c nêu trên là đối tượng lang thang)

d) Các trung tâm bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2015-2020

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội

a) Nội dung

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang; mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn của việc thu gom, trợ giúp đối tượng; kịp thời phản ánh thực trạng, kết quả thực hiện việc thu gom, trợ giúp đối tượng; nêu gương những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích, nghĩa cử cao đẹp trợ giúp đối tượng...

b) Cơ quan thực hiện:

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các tin, bài, phóng sự;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các cụm pa nô, áp phích phù hợp;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể, tổ chức xã hội thông qua đội ngũ cán bộ, thành viên, hội viên các cấp, nhất là tại cơ sở để phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời đối tượng lang thang trên địa bàn; tuyên truyền, vận động đối tượng để họ chấp thuận việc thu gom vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trở về với gia đình.

2. Công tác tiếp nhận, thu gom đối tượng lang thang

a) Nội dung

[...]