Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 247/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2021
Ngày có hiệu lực 06/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Văn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 06 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA NHẰM PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT, TIÊU CỰC, THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” (sau đây viết tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN); bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN.

b) Đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN. Bảo đảm 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch của các cơ quan có chức năng thanh tra không bị trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra.

c) Kiện toàn tổ chức; nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Bảo đảm 100% công chức trực tiếp giám sát DNNN được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chính sách pháp luật có liên quan.

d) Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Bảo đảm 100% báo cáo giám sát, kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra được công khai (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

đ) Nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi của các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN. Bảo đảm mọi kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được thực hiện nghiêm túc.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước

a) Công tác giám sát

- Các sở, ngành tỉnh, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Kiểm soát viên thực hiện giám sát thường xuyên và định kỳ theo nhiệm vụ được phân công đối với các hoạt động của DNNN.

- Khi cần thiết, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành có liên quan phối hợp thực hiện giám sát đối với DNNN. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra, thanh tra đột xuất, UBND tỉnh giao cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Công tác kiểm tra

- Các sở, ngành tỉnh căn cứ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành được giao thực hiện kiểm tra thường xuyên và định kỳ đối với DNNN về việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Khi cần thiết, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành có liên quan phối hợp thực hiện kiểm tra liên ngành đối với DNNN. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì UBND tỉnh ra quyết định thanh tra hoặc giao cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

c) Công tác thanh tra

- Định kỳ hàng năm thực hiện thanh tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc chấp hành pháp luật hoặc thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính ngân sách, vn, tài sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với DNNN trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần thanh tra đột xuất đối với DNNN qua hoạt động giám sát, kiểm tra theo nội dung tại điểm b, Khoản 2, Phần III của Đề án.

d) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu có phát hiện dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm chuyển hồ sơ, vụ việc sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật và phối hợp trong điều tra, xử lý vụ việc.

đ) Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung kết luận kiểm tra, thanh tra DNNN; việc lấy ý kiến đối với dự thảo kết luận kiểm tra, thanh tra chỉ thực hiện khi cần thiết; kết luận kiểm tra, thanh tra phải chỉ rõ tập thể, cá nhân vi phạm, mức độ trách nhiệm và biện pháp xử lý.

e) Các sở, ngành tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; kịp thời thông tin về tình hình triển khai thực hiện, những vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.

2. Kiện toàn tổ chức, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước

- Các sở, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, xem xét, sắp xếp hợp lý, phân công các phòng, ban, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các DNNN; bố trí các công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có chuyên môn, nghiệp vụ kinh nghiệm công tác, am hiểu pháp luật về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, vốn, đầu tư để thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến các DNNN.

[...]