Kế hoạch 2453/KH-UBND năm 2021 về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2453/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2021
Ngày có hiệu lực 03/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2453/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM GAN VI RÚT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Hiện nay, thực trạng bệnh viêm gan vi rút trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp. Viêm gan vi rút thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 năm 2007, căn bệnh gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút thường gặp, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự, viêm gan vi rút A, E lây qua đường thực phẩm nhiễm khuẩn và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút trong đó có 96% là do viêm gan B và viêm gan C mà nguyên nhân chủ yếu là do ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma - HCC) và xơ gan. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, nguyên nhân tử vong có liên quan đến viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm gây ra. Ngoài ra, viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan A và E cũng góp phần vào tỷ lệ tử vong do viêm gan vi rút với số ca tử vong mỗi năm lần lượt là 14.900 và 52.100 trường hợp.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C thuộc nhóm cao trong khu vực và chịu những gánh nặng bệnh tật nặng nề do căn bệnh này mang lại. Theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành vi rút viêm gan B của một số địa phương nước ta khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở người khỏe chiếm khoảng 8-25%; tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C chiếm khoảng 0,4-4,1 % dân số tại cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các vi rút viêm gan A, D, E cũng đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng.

Tại tỉnh Quảng Bình, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan trong cộng đồng dân cư tương đối cao, khoảng 11-12%. Đây là một thực tế đáng báo động, bởi hậu quả của nhiễm vi rút viêm gan đối với sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các hoạt động phòng chống bệnh trên địa bàn tỉnh ta những năm qua đang gặp nhiều khó khăn về cơ chính chính sách, nguồn lực kinh phí, nhận thức của người dân... Để phòng chống bệnh viêm gan vi rút rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở y tế, sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự tham gia một cách chủ động tự giác của người dân và cộng đồng.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Căn cứ Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025;

- Căn cứ Công văn số 858/DP-DT ngày 01/10/2021 của Cục Y tế dự phòng về việc triển khai Kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực dự phòng, giảm lây truyền vi rút gây viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và khống chế tỷ lệ tử vong do viêm gan vi rút.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan

2.1.1. Tiêm chủng vắc xin viêm gan B: Giảm tỷ lệ HBsAg ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%

- 100% bệnh viện và các cơ sở y tế có phòng sinh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.

- Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B:

+ Giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 85%.

+ Giai đoạn 2026-2030: Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 90%

- Trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin viêm gan B ba liều cơ bản (VGB3).

2.1.2. Phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con: Giảm lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con

- Đạt các chỉ tiêu tiêm chủng viêm gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi.

- Tỷ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai trên 70%.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị trên 70%.

2.1.3. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế: Giảm thiểu lây truyền vi rút viêm gan B, C tại các cơ sở y tế

- 100% tiêm an toàn trong các cơ sở y tế.

- 100% cán bộ y tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh được tiêm phòng vắc xin viêm gan B.

[...]