Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 28/01/2022
Ngày có hiệu lực 28/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025;

Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Quyết định số 4485/QĐ-BYT ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;

Văn bản số 6690/BYT-DP ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế về việc rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số thành nhiệm vụ thường xuyên đối với các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần;

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035;

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI MẮC CÁC BỆNH TÂM THẦN

1. Tại Việt Nam

Tỉ lệ người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, loạn thần sau chấn thương hay do các chất gây nghiện…chiếm khoảng 15%-20% dân số (khoảng 13-18 triệu người). Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Trong đó khoảng 80% số người này sống ở xã, phường, thị trấn trong khi các bệnh viện cũng chỉ có hơn 6.500 giường bệnh nên thường xuyên quá tải. Ngoài ra, còn có 10.000 người đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Như vậy, hiện có khoảng 724.000 người bệnh tâm thần sống tại cộng đồng, trong đó hơn 440.000 người có nhiều nguy cơ tái phát bệnh.

Hiệu quả cao nhất là người tâm thần phải được chăm sóc, điều trị tại cộng đồng và cần kết hợp nhiều yếu tố để đem lại hiệu quả tích cực. Người bệnh phải được cấp thuốc; có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, cần sự trợ giúp của xã hội và nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc cũng như kỹ năng phòng vệ cho gia đình có người bị tâm thần khi người bệnh có biểu hiện lạ, bất thường.

Để việc điều trị, chăm sóc ở cộng đồng có hiệu quả chỉ một mình Ngành Y tế hay ngành Lao động thì không thể giải quyết được mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

2. Tại Vĩnh Phúc

2.1. Kết quả hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện các Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 và Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện Dự án Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần và trẻ em tại cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện như sau:

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 bệnh viện chuyên khoa tâm thần điều trị cho người mắc bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí thuộc Sở Y tế với 120 giường bệnh, bình quân hàng năm đã khám và và điều trị được trên 1000 lượt người bệnh

- Đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức nhiều đợt truyền thông tại cộng đồng, xây dựng nhiều chuyên trang chuyên mục trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh về nhận thức chăm sóc, phát hiện, quản lý người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu, công tác về không kỳ thị với gia đình có người mắc bệnh tâm thần

- Có 9/9 huyện, thành phố và 136/136 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần của tỉnh: Đạt tỷ lệ 100%;

- 100% bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm phát hiện mới trong giai đoạn 2016-2020 được lập bệnh án, quản lý và cấp phát thuốc tại cộng đồng;

- Triển khai quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại 100% số xã/phường/thị trấn. Hàng năm giám sát 100% các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Đảm bảo cung ứng đấy đủ thuốc cho bệnh nhân theo đúng quy định, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 như sau:

+ Năm 2016: Tổng số bệnh nhân động kinh phát hiện mới là 154 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt 66 bệnh nhân, Trầm cảm 5 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần được quản lý điều trị là 4809 bệnh nhân, trong đó: 1.712 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.671 bệnh nhân động kinh, 78 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.348 bệnh nhân.

+ Năm 2017: Số bệnh nhân động kinh phát hiện mới là 58 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt 31 bệnh nhân, Trầm cảm 5 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần được quản lý điều trị là 4.629 bệnh nhân, trong đó: 1.376 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.674 bệnh nhân động kinh, 66 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.513 bệnh nhân.

+ Năm 2018: Số bệnh nhân phát hiện mới được quản lý đưa về cấp thuốc tại cộng đồng là 40 bệnh nhân, trong đó: Động kinh 32 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt: 6 bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm: 2 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị là 4.526 bệnh nhân, trong đó: 1.366 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.685 bệnh nhân động kinh, 68 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.407 bệnh nhân.

+ Năm 2019: Số bệnh nhân phát hiện mới của 3 bệnh chính được quản lý đưa về cấp thuốc tại cộng đồng là 37 bệnh nhân, trong đó: Động kinh 23 bệnh nhân, Tâm thần phân liệt: 10 bệnh nhân, bệnh nhân trầm cảm: 4 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần hiện đang quản lý điều trị là 4.526 bệnh nhân, trong đó: 1.363 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.684 bệnh nhân động kinh, 72 bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân chẩn đoán khác 1.407 bệnh nhân.

[...]