Kế hoạch 24/KH-UBND về hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 04/02/2021
Ngày có hiệu lực 04/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 04 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 184/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021,

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu chung về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm (ATTP) và phát triển bền vững.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

- 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP của tỉnh được thực hiện.

- 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra xếp loại A, B.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 25% năm 2020.

- Giảm thiểu tối đa số mẫu được giám sát trên phạm vi diện rộng vi phạm quy định về chất lượng, ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

2. Tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh: Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HDND ngày 13/7/2016 về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP.

3. Mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

4. Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tuân thủ Luật An toàn thực phẩm; phối hợp với các cơ quan Báo, Đài Trung ương và địa phương phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP và truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP.

5. Thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản để xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

7. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành và các đơn vị có liên quan kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

8. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản.

(Nội dung chi tiết và phân công tại Phụ lục kèm theo)

IV. NGUỒN KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho công tác quản lý, kiểm soát ATTP.

2. Kinh phí hỗ trợ của các Dự án, tổ chức Quốc tế (nếu có).

3. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[...]