Kế hoạch 239/KH-UBND năm 2018 về triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử của tỉnh Lào Cai từ năm 1991 đến năm 2017, nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

Số hiệu 239/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2018
Ngày có hiệu lực 10/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/KH-UBND

Lào Cai, ngày 10 tháng 08 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN SỐ HÓA DỮ LIỆU HỘ TỊCH LỊCH SỬ CỦA TỈNH LÀO CAI TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2017, NHẬP THÔNG TIN VÀO CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TOÀN QUỐC

Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc" (gọi tắt là “Đề án”); Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; Công văn số 620/BTP-HTQTCT ngày 28/02/2017 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ năm 1991 đến năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai kịp thời việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và bảo đảm tối đa lợi ích của người dân.

- Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương; bảo đảm việc kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam tại địa bàn tỉnh, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.

- Bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Trích lục khai tử), có đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật; công dân trên địa bàn tỉnh có thể yêu cầu cấp trích lục bản sao hộ tịch ở tất cả các cơ quan quản lý dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

- Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao, tiến độ hoàn thành.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án đã được phê duyệt và thực tiễn của địa phương, các Chương trình, Kế hoạch có liên quan của tỉnh; đảm bảo Đề án được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ và có hiệu quả.

- Kế thừa nguồn lực, dữ liệu hộ tịch điện tử sẵn có tại địa phương, phù hợp với yêu cầu đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, tránh lãng phí.

- Phát huy vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc thực hiện Đề án, nhất là trong việc bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc đáp ứng được việc kết nối Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc triển khai thực hiện. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan trên địa bàn tỉnh, bảo đảm số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ năm 1991 đến năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc có chất lượng, hiệu quả, dữ liệu thống nhất, chính xác.

- Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được chia sẻ công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, hướng dẫn số hóa nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin truyền thông; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan;

- Thời gian thực hiện: Quý III năm 2018 và những năm tiếp theo.

2. Số hóa, nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp;

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố;

- Thời gian thực hiện: 2018-2020, cụ thể như sau:

a) Năm 2018: Số hóa nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký kết hôn từ năm 1990 đến hết năm 2016 và dữ liệu đăng ký khai sinh của năm 2015, 2016 để gửi thông tin xin cấp mã số định danh cho công dân đăng ký khai sinh năm 2016, cụ thể:

- Nhập dữ liệu đăng ký kết hôn

105,498 trường hợp

- Dữ liệu ĐKKS Năm 2015

15,504 trường hợp

- Dữ liệu ĐKKS Năm 2016

22,541 trường hợp

b) Năm 2019: Số hóa nhập toàn bộ dữ liệu đăng ký khai sinh từ năm 2000 đến năm 2014, cụ thể: 342,390 trường hợp

[...]