Kế hoạch 236/KH-UBND năm 2021 về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 236/KH-UBND
Ngày ban hành 19/11/2021
Ngày có hiệu lực 19/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 236/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG VÀ TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 4600/QĐ-BNN-TCTL ngày 13/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với những nội dung như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết ban hành Kế hoạch

a) Thực trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng:

Hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố có trên 1.200 công trình thủy lợi các loại, bao gồm: 40 Trạm bơm điện kết hợp cống ngăn triều (chủ yếu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh), 02 cống cấp 1, 52 cống cấp 2 (nằm trong vùng Ô Môn - Xà No) và khoảng 1.100 sông, rạch, kênh mương các loại, với tổng chiều dài khoảng 3.500 km phân bổ khá đồng đều và chảy dài khắp vùng nông nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó:

- Kênh trục chính: có 25 kênh, đa số là các sông, rạch tự nhiên lấy nước trực tiếp trên Sông Hậu với tổng chiều dài 322 km, có cửa sông rộng từ 50 đến 300m, cao độ đáy từ -4.0 đến -10.0m với tổng chiều dài sông rạch tự nhiên trong vùng khoảng 310 km có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn nước cũng như giao thông thủy đối với các vùng sâu và vùng xa sông Hậu;

- Kênh cấp 1: có 17 kênh, có chiều dài khoảng từ 30 đến 60km với tổng chiều dài 209 km, bề rộng kênh từ 10 đến 30m, độ sâu đáy khoảng từ -2.0 đến -5.0m;

- Kênh cấp 2: có 249 kênh, có chiều dài từ 1,5 đến 6 km với tổng chiều dài 907 km, bề rộng kênh từ 6 - 20 mét; cao độ đáy từ - 0,5 đến - 2,0m, chiều dài từ 1,5 đến 6 km;

- Kênh cấp 3 nội đồng: có khoảng 810 kênh với tổng chiều dài 2.060 km có nhiệm vụ rất quan trọng, trong việc phân phối nước từ kênh cấp 2 tới mặt ruộng và tiêu nước dư thừa từ mặt ruộng ra kênh cấp 2 về kênh trục và ra sông lớn; mỗi huyện có từ 120 đến 150 kênh cấp 3 các loại. Kênh cấp 3 chủ yếu phát triển ở khu vực như nông trường Cờ Đỏ, sông Hậu và các khu vực sản xuất 3 vụ lúa trong năm. Kênh cấp 3 thường có mặt cắt: Bmặt = 2 - 2,5 m; cao độ đáy từ - 0,0 đến - 0,5m;

Do địa bàn thành phố có lợi thế về nguồn nước dồi dào trên sông Hậu với hệ thống kênh đầu mối từ kênh trục đến kênh cấp 2 tương đối hoàn chỉnh, hằng năm được nhà nước bố trí kinh phí nạo vét thường xuyên đã đảm bảo việc phân phối nguồn nước tưới tiêu cho toàn vùng thành phố. Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng so với nhu cầu quy hoạch của ngành nhằm giảm chi phí trong sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, với số lượng các công trình được đầu tư trên địa bàn thành phố tính đến nay đã đạt được như sau:

- Về quy hoạch trạm bơm điện vừa và nhỏ tính đến nay tổng số xây dựng được 29/339 cái với tổng kinh phí xây dựng khoảng 91,310/336,619 tỷ đồng, trong đó: kiên cố 26/53 cái, bán kiên cố 0/132 cái, di động 0/154 cái chỉ mới đáp ứng diện tích phục vụ là 9.195/55.809 ha tương đương 16,5% so với mục tiêu quy hoạch được phê duyệt nên việc áp dụng phương thức canh tác tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi) còn hạn chế, chưa nâng cao được giá trị chất lượng sản phẩm theo xu thế phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

- Về quy hoạch củng cố đê bao, bờ bao thủy lợi đa số chỉ mới hoàn chỉnh được một số tuyến đê bao kênh chính có kết hợp kiên cố mặt làm đường giao thông nông thôn, còn lại các ô bao thủy lợi nội đồng vẫn chưa được kiên cố, hằng năm người dân phải bỏ ra nhiều chi phí cho công tác tu sửa, đắp bờ bao. Ngoài ra khu vực ô bao cũng chưa xây dựng các cống khép kín nên việc chủ động ngăn lũ còn hạn chế ảnh hưởng đến việc áp dụng canh tác tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nuôi trồng thủy sản theo định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.

- Về phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn: Hiện nay việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong quy trình canh tác cây trồng cạn như: rau màu, cây ăn quả đã được một số hộ nông dân áp dụng và đã cho thấy hiệu quả về năng suất được gia tăng, chất lượng, giá trị nông sản được tăng cao và đảm bảo vấn đề an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người dân và đòi hỏi có một kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng nên việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế.

- Về đầu tư xây dựng công trình đầu mối và kênh chính của các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên việc đầu tư công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế về nguồn lực cũng như kỹ thuật, thiếu kinh phí tu bổ thường xuyên nên đa phần đã xuống cấp. Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, cần thiết phải đầu tư đồng bộ công trình thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng làm cơ sở xác định điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân khai thác công trình với tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy mô công trình được quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để đáp ứng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Thực trạng quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Hiện nay việc giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố còn rất hạn chế, ngoài các công trình trạm bơm điện đã được đầu tư hoàn chỉnh giao cho các Hợp tác xã quản lý thì các công trình còn lại chủ yếu là hệ thống kênh mương, bờ bao thủy lợi vẫn do phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp quận, huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác với số lượng công trình rất lớn nhưng lực lượng quản lý mỏng không đáp ứng yêu cầu năng lực dẫn đến tình trạng nhiều công trình không có cán bộ, công nhân kiểm tra thường xuyên nên khi các công trình có nguy cơ bị hư hỏng, hành lang công trình bị lấn chiếm, rác thải, vật cản trên kênh không được phát hiện, khắc phục kịp thời dẫn đến công trình nhanh bị xuống cấp, nguồn nước trên kênh bị ô nhiễm.

Nguyên nhân các bất cập về tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là do các ngành chức năng, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai kịp thời các văn bản của cơ quan cấp trên, cụ thể:

- Chậm triển khai công tác củng cố, kiện toàn đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, Chỉ thị số 3426/CT-BNN-TCTL ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

- Chậm triển khai trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành lập, củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

Bên cạnh đó, vấn đề thực tiễn trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố và cơ chế chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi vẫn còn bất cập, vì theo quy định của Luật Thủy lợi thì các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy tự đầu tư, nhà nước chỉ có cơ chế chính sách hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chủ yếu là nông dân với mức thu nhập hiện tại rất thấp không có khả năng đóng góp để đầu tư sửa chữa công trình định kỳ, hằng năm ngân sách thành phố vẫn phải bố trí đầu tư 100% chi phí bảo trì công trình, do đó việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính do không có đủ nguồn vốn đối ứng từ Tổ chức nông dân theo quy định về tiêu chí hỗ trợ đầu tư nên đến nay vẫn chưa có hồ sơ đăng ký hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng thủy lợi, vấn đề quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, vì vậy việc củng cố, phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả bền vững là thực sự cần thiết, đồng thời góp phần thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng và ban hành Kế hoạch

- Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017, Chương VII: Thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

[...]