Kế hoạch 2352/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2352/KH-UBND
Ngày ban hành 11/09/2019
Ngày có hiệu lực 11/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2352/KH-UBND

Kon Tum, ngày 11 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng được nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; biên soạn tài liệu giáo dục địa phương... để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên

- Cán bộ quản lí đảm bảo trình độ đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn và được bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lí nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Đảm bảo đủ giáo viên để tổ chức dạy học 02 buổi/ngày, dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên được bồi dưỡng để nắm vững về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học và các hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi triển khai giảng dạy ở mỗi lớp học. Không để tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới trực tiếp đứng lớp.

2.2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học: Phòng học đúng quy cách, đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; có các khối phòng phục vụ học tập và hành chính quản trị; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí cho học sinh; có nguồn nước sạch đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh; khu vệ sinh đảm bảo yêu cầu.

2.3. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung giáo dục tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của học sinh các cấp học và điều kiện của nhà trường, địa phương. Đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của các cơ sở giáo dục trong xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp sư phạm nhằm phát huy tính tích cực, tự giác phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh phổ thông.

* Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới:

- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

2.4. Kinh phí: Đảm bảo tỉ lệ phần trăm chi lương và chi cho các hoạt động giáo dục theo quy định, đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

- Tiếp tục quán triệt các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông trước và trong năm học 2019-2020.

- Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; biểu dương kịp thời và nhân rộng các tập thể, cá nhân triển khai, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.

2. Về đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

- Căn cứ vào hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của từng cấp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học để đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

[...]