Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2023 thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2023
Ngày có hiệu lực 30/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN “PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 07/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”(gọi tắt là Dự án PNTP&PCVPPL); UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án PNTP&PCVPPL cho học sinh trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao về kiến thức, nhận thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về PNTP&PCVPPL trong các cơ sở giáo dục (gọi chung là nhà trường) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Đối tượng

Cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh tại các trường phổ thông, Trung tâm GDNN-GDTX (gọi chung là thành viên nhà trường).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao năng lực PNTP&PCVPPL của các nhà trường góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh;

- Cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác PNTP&PCVPPL; nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của các thành viên nhà trường;

- Phối hợp với các ngành liên quan cùng tham gia trong công tác PNTP&PCVPPL trong nhà trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PNTP&PCVPPL gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác PNTP&PCVPPL trong nhà trường;

- 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội về nhiệm vụ PNTP&PCVPPL;

- 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 01 mô hình về PNTP&PCVPPL;

- 100% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo

- Sở GDĐT, Phòng GDĐT,các nhà trường kiện toàn Ban Chỉ đạo “Phòng chống tội phạm” để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về công tác PNTP&PCVPPL thuộc phạm vi quản lý;

- Quý I hằng năm, lãnh đạo nhà trường tham mưu với tổ chức Đảng cơ sở ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về đảm bảo an ninh, trật tự hoặc lồng ghép trong Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm;

- Nhà trường xây dựng kế hoạch PNTP&PCVPPL; bảo đảm an ninh, trật tự hằng năm và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

- Thiết lập, công bố các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác PNTP&PCVPPL trong nhà trường;

- Chỉ đạo công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 01 mô hình về PNTP&PCVPPL có sự tham gia của các thành viên trong nhà trường.

2. Tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật

- Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, PNTP&PCVPPL cho học sinh; tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với học sinh; kỹ năng phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật;

- Quán triệt trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường đối với việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật;

[...]