Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2021 về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2021
Ngày có hiệu lực 05/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

PHẦN I:

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2021

I. MÔI TRƯỜNG CHÍNH SÁCH

Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, song bám sát và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng như: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Danh mục dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của các CQNN tỉnh Thanh Hóa; các văn bản chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã...làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện (Phụ lục 1 kèm theo).

Công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các dự án ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước; thực hiện các TTHC mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; góp phần đẩy mạnh CCHC, phòng chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Hạ tầng viễn thông, Internet

- Hạ tầng viễn thông được các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phục vụ, với công nghệ hiện đại chất lượng cao, trong năm 2021 đã đầu tư xây dựng mới 311 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS trên toàn mạng là 9.144 trạm BTS (trong đó có 2.771 trạm BTS 2G, 3.475 trạm BTS 3G và 2.898 trạm BTS 4G); 08 trạm BTS phát sóng biển đảo phục vụ thông tin liên lạc cho các tàu cá; duy trì 153 trạm chuyển mạch cố định và 1.792 trạm truy nhập Internet băng thông rộng cố định quang; phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,70%. Trong đó mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 4.342/4.357 đến thôn, bản, cụm dân cư (bằng 99,65%); mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 4.300/4.357 thôn, bản, cụm dân cư (bằng 98,69%).

- Hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng lưới với công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ đến tất cả các vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Cấp ủy Đảng, Chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh.

2. Hạ tầng CNTT

Tính đến hết Quý III/2021, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được trang bị máy tính làm việc đạt 96% máy tính/CBCC,VC (16.661 máy tính/17.356 CBCC,VC); 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng Internet băng thông rộng; hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Trên địa bàn tỉnh, có 03 Trung tâm tích hợp dữ liệu và an toàn an ninh mạng phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các Trung tâm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhằm thực hiện giám sát, phát hiện xâm nhập (Cisco IPS); được triển khai các giải pháp an ninh mạng như hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC), hệ thống phòng chống mã độc tập trung; giám sát, phát hiện và phòng chống các nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Hệ thống Hội nghị truyền hình hiện đã triển khai tại 458 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã (tăng so với cuối năm 2020 là 102 điểm cầu). Trong năm 2021, đã tổ chức được hơn 70 cuộc họp trực tuyến, hệ thống đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường hội họp hiện đại.

Hệ thống phòng họp không giấy tờ được triển khai tại 19 đơn vị giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và đảm bảo tổ chức các cuộc họp nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai và trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia, đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông bốn cấp. Ngoài ra, còn đảm bảo kết nối, liên thông các phần mềm ứng dụng dùng chung, các phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, góp phần chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

- Thực hiện các dự án “Đầu tư trang thiết bị máy chủ, thiết bị mạng để xây dựng Trung tâm dữ liệu và điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh”; dự án “Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020”, Trung tâm An toàn an ninh mạng và dữ liệu tỉnh đã triển khai các nền tảng hạ tầng: điện toán đám mây; hệ thống ảo hóa; các thiết bị mạng, máy chủ và tường lửa đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Nền tảng chia sẽ, tích hợp dữ liệu (LGSP) đã được đưa vào sử dụng kết nối việc trao đổi văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp xã; kết nối với các CSDL Quốc gia như: CSDL đăng ký kinh doanh; CSDL quốc gia về Bảo hiểm; CSDL đất đai, CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam; liên thông giữa ngành Tài nguyên Môi trường và Thuế.

- Hệ thống bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hệ thống giám sát bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế của tỉnh đã bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ AI trong việc tự động phát hiện các phương tiện vi phạm an toàn giao thông; phát hiện, cảnh báo các hiện tượng, đối tượng khả nghi…

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Hiện nay, việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các ngành, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài việc triển khai các ứng dụng dùng chung, các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản lý.

- Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Đã triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh tại 03 điểm (bao gồm 02 trạm quan trắc môi trường không khí; 01 trạm quan trắc môi trường nước biển) cơ bản cung cấp thông tin, đưa ra những phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục cập nhật dữ liệu, nâng cấp bổ sung cơ sở dữ liệu quản lý ngành tài nguyên và môi trường đảm bảo tích hợp các cơ sở dữ liệu nền.

- Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo: Triển khai sử dụng thống nhất các phần mềm quản lý trường học Vnedu, Smas, Misa; Sổ liên lạc điện tử...

Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã được đầu tư xây dựng các hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng bài giảng điện tử, tăng cường công tác quản lý học tập của sinh viên… Các trường học đã triển khai xây dựng các phòng học thông minh, thư viện điện tử, giáo án điện tử để triển khai cho các trường trong toàn tỉnh.

- Lĩnh vực Y tế: Đã triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực Y tế; chia sẽ dữ liệu giữa các cơ sở y tế với hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội để chi trả chế độ theo quy định.

[...]