Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 225/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án 17-ĐA/TU về Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 225/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2023
Ngày có hiệu lực 02/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/KH-UBND

Yên Bái, ngày 02 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 17-ĐA/TU NGÀY 24/8/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY YÊN BÁI VỀ ĐẨY LÙI TÌNH TRẠNG TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG VÀ XUẤT CẢNH TRÁI PHÉP Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU ngày 24/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2025 (viết tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án của các cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hôn nhân, xuất nhập cảnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân; qua đó từng bước nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án gắn với phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Đề án.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo chi tiết, phù hợp với các quy định và điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Căn cứ vào tình hình thực tế, nguyên nhân, thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép tại các địa phương để định hướng, triển khai thực hiện Đề án, xây dựng phương án cụ thể, khả thi, cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật cho cán bộ, đảng viên và người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đề ra các biện pháp phù hợp với thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2023-2025.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng

Người dân sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm vị thành niên, thanh niên, các bậc cha mẹ học sinh các trường THCS, THPT là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương.

Cán bộ, công chức, viên chức tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín, trưởng dòng họ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Phạm vi

Đề án được thực hiện trên địa bàn 8 huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh, trong đó: chú trọng địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; gắn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền với công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt thôn, bản và người uy tín nhằm vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ bỏ những hủ tục lạc hậu, trọng tâm là đẩy lùi, xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về hôn nhân và xuất nhập cảnh.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu “nâng cao thể trạng, tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe của người dân tộc thiểu số” góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội, làm động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, của tỉnh Yên Bái nói chung theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

2. Mục tiêu đến năm 2025

(1) Phấn đấu giảm tỷ lệ tảo hôn bình quân trên địa bàn tỉnh từ 30%/năm so với giai đoạn trước, trong đó: giảm từ 40% trở lên/năm đối với các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên. Đến năm 2025, cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(2) Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu giảm 30% số người xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh so với số phát hiện giai đoạn 2015-2020.

(3) 90% người dân ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; được truyền thông về tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xuất cảnh trái phép và được truyền thông các kiến thức khác có liên quan.

[...]