Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 224/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Phú Yên, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Công văn số 2606/BTTTT-THH-ATTT ngày 15/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (gọi tắt là CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch năm 2021;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số giai đoạn 2021-2025, với các nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả ban đầu. Thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi tổ chức triển khai, tài chính, tuyên truyền phổ biến,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh phát triển. Những kết quả cụ thể như sau:

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành 37 văn bản. Trong đó có 16 kế hoạch và 19 quyết định bao gồm: Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0, Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, Quy định về phương án ứng phó khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Phú Yên và các nội dung khác phục vụ hoạt động quản lý, tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh (danh mục văn bản thể chế hóa giai đoạn 2016 - 2020 tại Phụ lục I đính kèm).

Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với lĩnh vực CNTT cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động phát triển ứng dụng CNTT tại địa phương. Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng phục vụ cải cách hành chính (CCHC), phục vụ cung cấp, trao đổi thông tin với người dân cơ bản đáp ứng yêu cầu và được triển khai áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và ban hành hệ thống văn bản nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định về triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Hệ thống máy tính phục vụ công việc tại các sở, ban, ngành, UBND các cấp đều được trang bị đầy đủ đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ máy tính được kết nối mạng Internet và mạng LAN ở các cấp đạt 100%.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng, chủ yếu sử dụng cho việc họp giao ban trực tuyến (gồm 18 điểm tại các sở ngành và các huyện gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Y tế, Tài chính, Giáo dục, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh và 09 UBND các huyện, thị xã, thành phố).

Trung tâm dữ liệu tỉnh được đầu tư trang thiết bị hệ thống máy chủ (Server), hệ thống lưu trữ (SAN) qua nhiều năm, kinh phí thấp, quy mô nhỏ, được sử dụng cho hệ thống ảo hóa VMware phục vụ các ứng dụng như: Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân tỉnh; các sub portal, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, huyện; cơ sở dữ liệu chuyên ngành một số sở, ngành, địa phương.... cơ bản đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tuy nhiên, theo tiêu tiêu chuẩn TIA-942-2005 và chuẩn Tier 3 thì hiện nay trung tâm dữ liệu chưa đáp ứng, chưa có sàn nâng, hệ thống làm lạnh, đèn chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, giám sát môi trường, thiết bị và phần mềm phòng điều hành mạng…; chưa đảm bảo cơ chế hoạt động dự phòng đảm bảo thông vận hành 24/7 các ứng dụng của tỉnh trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về hệ thống.

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện đã ban hành quy chế, quy định về đảm bảo an toàn thông tin trong nội bộ. Cơ quan chuyên trách triển khai các giải pháp trang bị tường lửa bảo vệ hệ thống và thiết lập bảo mật hệ thống mạng không dây đảm bảo an toàn trung tâm dữ liệu của tỉnh.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

Triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin (HTTT) nền tảng, dùng chung của Quốc gia: Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC), HTTT về văn bản quy phạm pháp luật, HTTT lý lịch tư pháp, HTTT quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống CSDL quốc gia về khiếu nại, tố cáo, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, giúp xây dựng môi trường nhập dữ liệu và khai thác dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương trên môi trường mạng; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin quản lý.

Xây dựng và triển khai có hiệu quả các HTTT nền tảng, dùng chung của tỉnh: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice), Cổng dịch vụ công của tỉnh; Chứng thư số chuyên dùng, Cổng Thông tin điện tử, Thư điện tử công vụ, Trục liên thông văn bản tỉnh.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương triển khai tại địa phương: Hiện đang triển khai sử dụng các phần mềm chuyên ngành của các Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an.

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của địa phương: Đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực ngành Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài nguyên mà môi trường, Thông tin và Truyền thông.

Kèm theo Phụ lục II: Các cơ sở dữ liệu Trung ương và địa phương.

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

Các ứng dụng CNTT được đầu tư phát triển kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc biệt là phục vụ công tác CCHC, cụ thể:

- Trục liên thông văn bản tại địa chỉ http://truclienthong.phuyen.gov.vn cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trục liên thông văn bản đã kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Đã khởi tạo 1.432 mã định danh liên thông trên Trục liên thông văn bản điện tử (Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh).

- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của tỉnh được triển khai đồng bộ đến cấp xã đã kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản của tỉnh và Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống đã tích hợp chữ ký số bằng thiết bị usb-etoken và sim PKI và tích hợp bộ ký số theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP. Tỉ lệ văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng đạt 95%, trong đó văn bản xử lý song song giữa giấy và điện tử khoảng 5%; 100% văn bản đi của tỉnh được ký số và gửi qua Trục liên thông văn bản tỉnh và quốc gia. Trong năm 2020, tổng số văn bản gửi, nhận trên Trục 908.239 văn bản (trong đó gửi: 173.969 văn bản, nhận: 734.270 văn bản).

- 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp và công khai 2.000 TTHC, trong đó có 36 dịch vụ công được gắn mã định danh ngành, lĩnh vực, thủ tục được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, 126 TTHC mức độ 4 và 223 TTHC mức độ 3. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 còn thấp, trung bình khoảng10%. Trong năm 2020, số hồ sơ tiếp nhận trên cổng 219.679 hồ sơ (cấp tỉnh: 52.506 hồ sơ; cấp huyện: 49.845 hồ sơ; cấp xã: 117.328 hồ sơ). Đã giải quyết đúng hạn 196.967 hồ sơ và trễ hạn 13.435 hồ sơ chiếm tỷ lệ đúng hạn 93,61,rong đó: số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3 là 5.480 hồ sơ và mức độ 4 là 8.708 hồ sơ; số hồ sơ liên thông từ cấp xã lên huyện, tỉnh 5.784 hồ sơ của huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân, Đông Hòa, Sơn Hòa và Sở Tài nguyên và Môi trường còn lại là hồ sơ nộp tại bộ phận 1 cửa.

[...]