Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2023 về xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Số hiệu 223/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2023
Ngày có hiệu lực 06/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN DU LỊCH TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024

Căn cứ Chương trình hành động số 74/CTr-TU, ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 30/6/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Triển khai thực hiện Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch, khai thác giá trị các tài nguyên du lịch, cung cấp thông tin, hình ảnh du lịch Lạng Sơn tới du khách, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn.

Góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Lạng Sơn, khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

2. Yêu cầu

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức nhằm đem lại hiệu quả cao và thiết thực; đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch phải lựa chọn kỹ nội dung, hình thức và đối tượng tuyên truyền. Chú trọng áp dụng công nghệ số, các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch thuật, chuyển ngôn ngữ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài phù hợp để quảng bá, xúc tiến du lịch trong giai đoạn mới.

Tăng cường vai trò của các sở, ban, ngành, đơn vị trong việc phát triển sự nghiệp du lịch chung, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các chương trình lồng ghép nội dung hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch.

Tổ chức hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nói chung và hoạt động quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch của doanh nghiệp nói riêng.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác phát triển thị trường

- Tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, thông qua việc tham gia, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch (hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du lịch) tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Việt Bắc và một số địa phương.

- Tăng cường công tác hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế để quảng bá du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế tại các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, các nước trong khối ASEAN...

- Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp cận các thị trường du lịch mục tiêu, thông qua các sự kiện xúc tiến du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị; nghiên cứu thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước; kết nối nhà đầu tư, đơn vị lữ hành trên cả nước đưa khách đến Lạng Sơn nhằm tiếp cận, quảng bá thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.

2. Sản xuất mới các ấn phẩm, sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm

- Xuất bản 5.000 ấn phẩm về các điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn phục vụ công tác thông tin quảng bá du lịch, gồm có: du lịch Lạng Sơn điểm đến hấp dẫn; sổ tay du lịch Lạng Sơn; tinh hoa ẩm thực Xứ Lạng; tập gấp song ngữ Việt - Anh; tập gấp song ngữ Việt - Hàn.

- Tăng cường giới thiệu về sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Lạng Sơn thông qua xuất bản ấn phẩm, các ứng dụng trên thiết bị di động, đặc biệt là hệ thống du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh để giúp du khách tra cứu, tìm hiểu, dễ dàng lựa chọn ẩm thực khi đến Lạng Sơn. Thực hiện xây dựng và công bố chương trình du lịch ẩm thực đặc sắc Lạng Sơn.

- Xây dựng mới và tái bản 2.600 sản phẩm lưu niệm có gắn hình ảnh biểu trưng của bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn: tái bản sản phẩm du lịch em bé Đào; xây dựng mới sản phẩm lưu niệm bình gốm in hình ảnh bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn; xây dựng mới sản phẩm lưu niệm quạt cầm tay in hình ảnh du lịch Lạng Sơn, logo du lịch Lạng Sơn bằng chất liệu thân thiện môi trường.

3. Đa dạng hóa hình thức xúc tiến quảng bá trên các phương ti ện truyền thông

- Quảng bá du lịch Lạng Sơn trên một số phương tiện truyền thông theo xu thế hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok bên cạnh những hình thức truyền thống như kênh truyền hình, quảng cáo trực tuyến, livestream tại một số điểm du lịch; trình chiếu video clip tại các màn hình Led trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và khu vực cửa khẩu. Xây dựng 01 video clip trở lên quảng bá du lịch của tỉnh trên kênh truyền hình Việt Nam, hệ thống kênh truyền hình VTC; xây dựng 01 video tổng quan về du lịch Lạng Sơn; sửa chữa, gia cố 05 biển chỉ dẫn, pano quảng bá hình ảnh, biển điểm du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 02 biển quảng bá du lịch tại các huyện không nằm trong vùng công viên địa chất; xây dựng bản đồ số về du lịch; tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch Lạng Sơn; phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng video clip quảng bá du lịch Lạng Sơn đăng tải trên các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình kích cầu du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025 với thông điệp: “Người Lạng Sơn đi du lịch Lạng Sơn” “Lạng Sơn - Trải nghiệm và cảm nhận” “ Lạng Sơn - Điểm đến an toàn, đậm đà bản sắc dân tộc”. Giới thiệu về mảnh đất, con người Xứ Lạng, đặc trưng văn hóa truyền thống trên các tạp chí nổi tiếng: Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Làng nghề…

- Tiếp tục triển khai ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh trong quảng bá trên các ứng dụng mạng xã hội: Zalo, Messenger, Viber... đối với các biểu tượng cảm xúc (thích, vui, buồn, cảm ơn...) để quảng bá cho thương hiệu du lịch Lạng Sơn nhằm phổ biến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và trong các hội nghị, hội thảo và đối ngoại.

- Tiếp tục xây dựng Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn; duy trì và nâng cấp website www.dulichlangson.com.vn.

[...]