Kế hoạch số 2215/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 2215/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2009
Ngày có hiệu lực 20/05/2009
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Trung Tín
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 2215/KH-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20  tháng 5 năm 2009

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 09-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU HỘ - CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy đã được tăng cường. Nhiều quận, huyện, sở, ban, ngành đã thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy, đầu tư kinh phí mua sắm các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, củng cố xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và phát động phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy, qua đó công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố đã được củng cố và từng bước đi vào nề nếp, số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản đã được kéo giảm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại do cháy gây ra vẫn ở mức cao. Trong 5 năm gần đây, thành phố  xảy ra 1.765 vụ cháy, chết 40 người, bị thương 203 người và thiệt hại nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân ước tính trên 400 tỷ đồng. Riêng năm 2008, xảy ra 195 vụ cháy, chết 05 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 88 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, tình hình cháy, nổ còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường.

Để chủ động kéo giảm tới mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; đồng thời để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 23 tháng 10 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố.

2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, học sinh, sinh viên… trên địa bàn thành phồ, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác phòng cháy chữa cháy.

3. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, năng lực và hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn nhằm làm giảm số vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, học sinh, sinh viên…, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác phòng cháy chữa cháy; coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

1.1. Sở Tư pháp chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật phòng cháy và chữa cháy; các Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy; tổ chức thi tìm hiểu về Luật phòng cháy và chữa cháy.

1.2. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên nghiên cứu những bất cập, vướng mắc trong việc thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy, các quy định về phòng cháy chữa cháy để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

1.3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì:

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các báo, đài tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và tham gia công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê phán những hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy để góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

- Xây dựng chuyên mục toàn dân phòng cháy chữa cháy, các phim phóng sự; sưu tầm các phim về hoạt động phòng cháy chữa cháy của nước ngoài phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Truyền hình thành phố.

1.4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố hàng năm tổ chức tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 4/10, định kỳ 05 năm tổ chức mittinh và Hội thao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cấp thành phố kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, Hội thao đầu tiên bắt đầu vào dịp 04 tháng 10 năm 2011.

1.5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy vào chương trình đào tạo chính thức hoặc không chính thức của các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các Trường dạy nghề trên địa bàn thành phố.

Thời gian hoàn thành trong năm 2010.

1.6. Các sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, học sinh, sinh viên… trong phạm vi quản lý của mình.

2. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy:

2.1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy; trong quy hoạch, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng công trình phải thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo giao thông, nguồn nước, lực lượng, trang thiết bị và phương tiện phòng cháy chữa cháy. Xây dựng và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, thường xuyên chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình phụ trách.

2.2. Trong năm 2009, các sở, ban, ngành, quận, huyện tổ chức Sơ kết Chỉ thị số 41/2006/CT-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố. Nội dung sơ kết tập trung đánh giá những kết quả đã làm được, những công việc chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, xác định nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, qua đó xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

2.3. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, nắm tình hình quản lý cơ sở, nắm chắc các cơ sở thuộc diện quản lý về công tác phòng cháy chữa cháy.

a) Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và các quận, huyện tổ chức rà soát, nắm đầy đủ tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về công tác phòng cháy chữa cháy và các khu dân cư dễ cháy, đặc biệt đối với các công trình xây dựng mới. Tổ chức phân loại cơ sở và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở này.

b) Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ trì kiểm tra, rà soát, xác định các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong năm 2009, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp, tiến độ khẩn trương, chuyển hóa hết các khu dân cư có nguy cơ cháy cao và di dời các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu vực dân cư.

c) Sở Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình cao tầng xây dựng trước năm 1996 để hướng dẫn các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.

d) Công ty Điện lực thành phố chủ trì kiểm tra, rà soát và có kế hoạch nâng cấp lưới điện và các trạm biến áp đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các đối tượng tiêu thụ điện thực hiện các biện pháp an toàn trong sử dụng điện; đảm bảo cúp điện kịp thời phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn khi có cháy xảy ra. Giao Công ty Điện lực thành phố chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực hết hợp ngoại lực, tạo cuộc cách mạng thay đổi toàn diện cơ sở hạ tầng ngành điện; làm cơ sở để chuyển hóa các hạ tầng khác: bưu chính, viễn thông… Đặc biệt chú trọng kết hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng ưu tiên lựa chọn, phát triển các công trình ngầm.

[...]