Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 354/QĐ-BGDĐT tài liệu thuộc Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 220/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2024
Ngày có hiệu lực 03/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 03 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 354/QĐ-BGDĐT NGÀY 22/01/2024 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH CÁC TÀI LIỆU THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Triển khai Quyết định số 354/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các tài liệu thuộc Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật học đường và các yếu tố nguy cơ về sức khỏe nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục.

- Thông qua công tác giáo dục, truyền thông, giáo dục sức khỏe cung cấp và trang bị kiến thức kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp, tai nạn thương tích, hướng dẫn học sinh các kỹ năng xử lý ban đầu nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cá nhân và cộng đồng xã hội.

2. Yêu cầu

- Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động y tế trường học, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho các em.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức tổng quan về y tế trường học và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh

Cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách y tế trường học, tổ/nhóm chuyên môn có liên quan trong các cơ sở giáo dục cần giúp học sinh hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác y tế trong trường học. Đồng thời, nắm được quy luật chung về phát triển thể chất và tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp thực hiện trong lĩnh vực y tế trường học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh ở các bậc mầm non, phổ thông.

2. Vệ sinh trường học

Bảo đảm công tác vệ sinh trường học sạch sẽ đáp ứng được các điều kiện về sức khỏe học đường, bao gồm: vệ sinh trong xây dựng trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; vệ sinh phòng học, thiết bị đèn chiếu sáng, quạt làm mát; vệ sinh trang thiết bị và đồ dùng học tập, đồ chơi, ghế ngồi; nguồn nước sạch, công trình vệ sinh, vệ sinh môi trường; vệ sinh cá nhân, tay, chân, tai mắt, răng miệng, thân thể tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

3. Triển khai tốt chế độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng theo lứa tuổi học sinh, thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh bằng phương pháp nhân trắc học, kỹ thuật cân đo và tính tuổi, phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em, học sinh từ 5 tuổi đến 19 tuổi; tổ chức bữa ăn học đường, thực hiện tiêu chuẩn quy định về bữa ăn, xây dựng chế độ ăn phù hợp theo lứa tuổi, thực hiện an toàn thực phẩm, cung cấp kiến thức về ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, kiến thức cơ bản về bếp ăn trong trường học, các biện pháp phòng chống ngộ độc tại bếp ăn và đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, hướng dẫn học sinh lựa chọn thức ăn đường phố xung quanh trường học để đảm bảo vệ sinh, thực hành giám sát điều kiện an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.

4. Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Cán bộ phụ trách y tế trường học tại các cơ sở giáo dục cần nắm rõ về tổng quan về các loại bệnh thường gặp ở các lứa tuổi từ mầm non đến trung học phổ thông như: bệnh sởi - rubella, bệnh bạch hầu, ho gà, quai bị, tiêu chảy do Rota vi rút, bệnh chân tay miệng, viêm não Nhật bản, thủy đậu, bệnh cúm, sốt xuất huyết, bệnh dại, bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh viêm gan do vi - rút, bệnh không lây nhiễm, bệnh cận thị, bệnh cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, bệnh suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, bướu cổ, bệnh hen phế quản, viêm mũi dị ứng, bệnh thấp tim. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp dự phòng bệnh và hướng dẫn học sinh phương pháp, giải pháp phòng, chống kịp thời.

5. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần và phòng chống tác hại của chất gây nghiện

Làm tốt công tác tuyên truyền về các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần, những dấu hiệu nhận biết và bước đầu xử lý các vấn đề sức khỏe tâm thần học đường; những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, tính dục, tình dục và tình dục an toàn, phòng tránh mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên; phòng ngừa bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em; một số loại chất gây nghiện đối với học sinh, thực trạng, nguyên nhân sử dụng các chất gây nghiện ở học sinh và các biện pháp phòng chống.

6. Phòng, chống tai nạn thương tích và sơ cấp cứu ban đầu

Cung cấp đầy đủ kiến thức thông tin cơ bản về tai nạn thương tích cho học sinh như: đuối nước, tai nạn giao thông đường bộ, ngộ độc, động vật cắn, ngã, bỏng,... Đồng thời, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc xử lý cấp cứu ban đầu như hồi sinh tim phổi, cấp cứu điện giật, sét đánh, sơ cứu nạn nhân bị đuối nước, xử lý dị vật đường thở, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, cầm máu vết thương, sai khớp, gãy xương, xử lý bỏng, cấp cứu say sóng, say nắng, cấp cứu ban đầu ngộ độc, sơ cứu vết thương do động vật, côn trùng cắn, đốt, húc, cấp cứu chấn thương mắt, chấn thương hàm mặt, chấn thương răng, tư thế vận chuyển nạn nhân và cách vận chuyển nạn nhân khi thực hiện sơ cứu, cấp cứu.

7. Truyền thông giáo dục sức khỏe tại các cơ sở giáo dục

Cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách y tế trường học, tổ/nhóm chuyên môn có liên quan trong các cơ sở giáo dục cần tập trung trong công tác truyền thông, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe và lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

8. Quản lý sức khỏe học sinh

Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý sức khỏe, hồ sơ, lập kế hoạch y tế trường học, xây dựng nội dung, giải pháp quản lý sức khỏe học sinh, tổ chức khám định kỳ và tư vấn dinh dưỡng cho học sinh, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

[...]