Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2023 thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 220/KH-UBND
Ngày ban hành 30/01/2023
Ngày có hiệu lực 30/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Kon Tum, ngày 30 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Văn bản số 4438/BTTTT-KHTC ngày 27 tháng 08 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ1; trong đó thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường quảng bá hình ảnh tỉnh Kon Tum, hình ảnh đất nước Việt Nam tới các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

2. Yêu cầu

- Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đúng, sát chủ trương của Đảng, Quốc Hội2; quyết định, qui định của Chính phủ, các bộ, ngành3 có liên quan; Nghị quyết, kế hoạch địa phương4, bảo đảm đồng bộ; lồng ghép các chương trình, tránh lãng phí, đúng tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, các địa phương, nhất là thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh5 và các lực lượng liên quan trong công tác thông tin đối ngoại, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và góp phần giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển với nước bạn Lào và Campuchia.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Sản xuất các sản phẩm thông tin phục vụ công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

a) Mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và Nhân dân địa bàn các huyện, xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào và Campuchia trong công tác đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

b) Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới; quảng bá các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc khu vực biên giới gắn với phát triển du lịch, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

- Tuyên truyền thành tựu của tỉnh trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở vùng dân tộc thiểu số, gồm: các quyền kinh tế, quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở, thông tin, việc làm).

- Đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng không gian mạng nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới; những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)

c) Hình thức tuyên truyền

- Sản xuất các sản phẩm phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại thông qua xây dựng phóng sự ngắn, bản tin (thể hiện dưới dạng âm thanh, chữ viết, hình ảnh); tài liệu (thông tin chuyên đề, sổ tay nghiệp vụ); tờ rơi, tờ gấp, áp phích, thư viện điện tử, video clip và các sản phẩm thông tin điện tử khác. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sản xuất các sản phẩm thông tin có chủ đề nội dung thiết yếu, chuyên sâu, có ý nghĩa thực tiễn, có giá trị lan tỏa.

- Thực hiện in, nhân bản, phát hành, đăng, phát sóng các sản phẩm thông tin đối ngoại phục vụ đối tượng, địa bàn thụ hưởng; ưu tiên đối với vùng biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

- Các sản phẩm thông tin tuyên truyền được sản xuất bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số (Xê đăng, Bahnar, Gia-Rai, Giẻ-Triêng, Brâu), ngôn ngữ nước ngoài (tiếng Anh) và ngôn ngữ nước có chung đường biên giới với Việt Nam để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

d) Phân công nhiệm vụ

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Trên cơ sở nguồn kinh phí Chương trình được phân bổ hằng năm cho đơn vị, xây dựng kế hoạch sản xuất và cung cấp các sản phẩm thông tin với mục tiêu, nhiệm vụ thông tin, đối ngoại đã hoàn thành (dưới dạng số hóa) gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, biên tập phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin định hướng công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai lựa chọn và tổ chức chuyển ngữ bằng tiếng dân tộc, tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Campuchia; hoàn thành các tài liệu, tư liệu, sản phẩm thông tin đối ngoại đã lựa chọn gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Thông tin đối ngoại) để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới.

2. Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ thông tin đối ngoại

a) Đối tượng bồi dưỡng, tập huấn

- Cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác thông tin đối ngoại các sở, ban, ngành; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các xã; cán bộ Phòng Văn hóa -Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; các đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố; công chức phụ trách Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được phân công kiêm nhiệm, phụ trách thực hiện công tác thông tin đối ngoại, tập trung ưu tiên cán bộ làm công tác tuyên truyền, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các Đồn biên phòng, cửa khẩu, tiếp xúc với người nước ngoài;

- Già làng, Trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu và miền núi.

[...]