Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2024 về truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024-2025

Số hiệu 22/KH-UBND
Ngày ban hành 30/01/2024
Ngày có hiệu lực 30/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 30 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2024 - 2025

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách (sau đây gọi là Chỉ thị số 07/CT-TTg), Quyết định số 765/QĐ-BTTTT ngày 28/4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 07/CT- TTg; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo điều hành của tỉnh; chuyển tải các thông điệp, cơ chế, chính sách của tỉnh; quảng bá tiềm năng, thế mạnh của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác truyền thông chính sách, quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

- Đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho các cơ quan báo chí; đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số.

2. Yêu cầu

- Xác định công tác truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố (gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương).

- Tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách

- Tổ chức quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa quan trọng, thiết thực của công tác truyền thông chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích nhân dân quan tâm và tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo điều hành của tỉnh. Chú trọng truyền thông chính sách cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và cho tất cả các đối tượng, nhất là người yếu thế.

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người đứng đầu về vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách; chủ động triển khai hoạt động truyền thông chính sách trong lĩnh vực quản lý của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ngay từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng nội dung chính sách và quá trình hoàn thiện, ban hành, thực thi chính sách để chủ động cung cấp thông tin đến cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp… Trong đó, chú trọng truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương có tác động lớn đến xã hội.

2. Thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định

- Chủ động rà soát, thực hiện tốt việc công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có tăng cường truyền thông chính sách.

- Đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí. Đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để cung cấp thông tin lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, phương tiện thông tin báo chí, truyền thông của tỉnh.

3. Chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội và xử lý vi phạm

- Chỉ đạo, định hướng, theo dõi thông tin báo chí, chủ động phối hợp định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm tại địa phương.

- Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, internet, mạng xã hội, trang thông tin điện tử theo quy định; đảm bảo cung cấp thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về những vấn đề dư luận quan tâm tại địa phương góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

4. Đảm bảo nguồn lực, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách

- Triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng.

- Xây dựng, kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung đội ngũ truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.

5. Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 03/10/2023 của UBND tỉnh triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

[...]