Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 218/KH-UBND năm 2023 triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại thành phố Hải Phòng

Số hiệu 218/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2023
Ngày có hiệu lực 18/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 18 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI KIỂM TRA TIỀN SỬ VÀ TIÊM CHỦNG BÙ LIỀU CHO TRẺ NHẬP HỌC CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học

Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, han chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Các vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong thời gian qua, Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai rất tốt công tác TCMR cho trẻ em và phụ nữ có thai, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin luôn đạt tỷ lệ cao (trên 98%). Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều ở tất cả các địa phương, vẫn còn những xã, phường tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc xin mới đạt trên 70%. Ngoài ra, một số năm do ảnh hưởng của phản ứng nặng sau tiêm vắc xin tại một số địa phương trên cả nước đã làm cho tỷ lệ tiêm chủng tại Hải Phòng trong năm đó bị giảm thấp. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho tỷ lệ tiêm chủng chung của thành phố chỉ đạt xấp xỉ 94 - 95%. Ước tính trung bình hàng năm có từ 1.000

- 1.500 trẻ ở Hải Phòng không được tiêm chủng đủ mũi vắc xin trong chương trình TCMR. Việc tích luỹ số trẻ này qua các năm với tình trạng di biến động dân cư trong các năm gần đây có xu hướng gia tăng là yếu tố nguy cơ gây dịch.

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược hướng tới mục tiêu thanh toán, loại trừ và khống chế các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học đã được triển khai tại hơn 130 quốc gia trên thế giới và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh.

Trường học là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em, có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trước khi xảy ra, bảo vệ sức khoẻ trẻ em cần triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ em tại nước ta. Để triển khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi nhập học.

2. Căn cứ xây dựng kế hoạch

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030;

- Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 về quy định về công tác y tế trường học;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Thông tư 38/TT-BYT/2017 ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm Y tế bắt buộc;

- Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam;

- Quyết định 5715/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/12/2020 ban hành “Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2021-2025”;

- Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành tài liệu hướng dẫn công tác Y tế trường học;

- Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;

- Chương trình số 218/CTr-BGDĐT-BYT ngày 04/03/2022 chương trình Phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026;

- Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/7/2023 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

Tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin trong Chương trình TCMR ở nhóm trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương triển khai.

[...]