Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2016 triển khai Chỉ thị 09-CT/TU về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2016
Ngày có hiệu lực 10/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Nguyễn Chí Hiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Phú Yên, ngày 10 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 09-CT/TU NGÀY 23/6/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực; nhiều tuyến đường phố, khu dân cư, nơi công cộng được quan tâm duy trì, bảo đảm sạch, đẹp; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận tổ chức, công dân còn thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, chưa chủ động và tự giác thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về giữ vệ sinh môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn, tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra nên cần phải kiểm soát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhằm xây dựng Phú Yên “xanh - sạch - đẹp”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Nâng cao trách nhiệm, làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể và từng người dân, cộng đồng dân cư về giữ gìn, bảo vệ môi trường.

- Tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, nông thôn; xóa bỏ các điểm nóng về vệ sinh môi trường (VSMT), từng bước cải thiện chất lượng VSMT, nhất là trong quá trình thực hiện nông thôn mới.

- Tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý VSMT giữa các địa phương và các ngành chức năng của tỉnh;

2. Yêu cầu:

- Triển khai thực hiện kế hoạch rộng khắp trên địa bàn tỉnh, lấy địa bàn phường, xã, thị trấn và các khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm làm nòng cốt để thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục.

- Các phong trào giữ gìn, đảm bảo VSMT phải gắn kết việc triển khai thực hiện kế hoạch của các cấp chính quyền, các ngành với các phong trào, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp...; thành phong trào rộng khắp, lâu dài và liên tục.

- Kết hợp chặt chẽ giữa công tác đảm bảo VSMT với chỉnh trang đô thị, nông thôn; kết hợp đồng bộ các biện pháp kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 58-KH/TU ngày 22/4/2009 của Tỉnh ủy về việc tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW; Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 20/5/2009 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch số 58-KH/TU; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, tổ chức, hội, đoàn thể và các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhận thức được vai trò và trách nhiệm về bảo vệ môi trường (BVMT); đặc biệt chú trọng đến quy định về BVMT, VSMT các khu dân cư, khu vực công cộng, các điểm du lịch, bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

2. Tăng cường công tác tuyên truyền về BVMT trong phạm vi toàn tỉnh; thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào, đợt thi đua về BVMT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ quan, trường học, khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Chú trọng nhân rộng các mô hình tự quản về BVMT ở cộng đồng dân cư. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT.

3. Tổ chức thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn: sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng; thực hiện đồng bộ công tác VSMT với đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị, đ ặc biệt là ở thành phố Tuy Hòa và các thị xã, thị trấn, thị tứ trong tỉnh. Triển khai hình thức dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật hiện hành;

4. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên quan đến BVMT như hệ thống cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, thu gom và xử lý nước thải; ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Tập trung xã hội hóa, thu hút đầu tư đối với các dự án này.

5. Ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho BVMT, gắn với từng địa bàn của các huyện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác BVMT, tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh. Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ BVMT trong danh mục Chương trình KH&CN trọng điểm cấp tỉnh.

6. Ưu tiên tăng phân bổ Ngân sách từ nguồn vốn sự nghiệp cho BVMT (không dưới 1% tổng chi Ngân sách) và từ các nguồn vốn khác như vốn đầu tư phát triển,…; tăng dần tỷ lệ phân bổ cho hoạt động sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT.

8. Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên nước ngầm, nước mặt, phân vùng xả nước thải vào nguồn nước, ô nhiễm thoái hóa đất, tình hình thải bỏ chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp. Cải tạo các khu vực đầm, vịnh, các đoạn sông, suối, ao, hồ, kênh mương đã bị ô nhiễm, các vùng đất bị suy thoái, xanh hóa môi trường đô thị, khu sản xuất công nghiệp …

9. Thành lập quỹ môi trường tỉnh để huy động và sử dụng hiệu quả những nguồn hỗ trợ, phí BVMT; các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường; các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

10. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ BVMT trong Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến công chức, viên chức, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

Chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan liên quan về nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng như trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, cổ động trực quan (băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, tuyên truyền di động); tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, thị trấn; tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình, đoàn viên, hội viên; tổ chức các phong trào thi đua; tổ chức các tiết giảng về giữ gìn VSMT trong các trường học; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Hội, Đoàn thể thực hiện các đợt cao điểm về công tác tuyên truyền và bảo đảm VSMT nhân các dịp lễ, Tết;

[...]