Kế hoạch 215/KH-UBND năm 2022 về sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 215/KH-UBND
Ngày ban hành 08/11/2022
Ngày có hiệu lực 08/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Tuấn Hà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 08 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP AN TOÀN, CHẤT LƯỢNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Thực hiện Chương trình phối hợp số 19/CTPH-BNN-UBNDDL ngày 10/3/2019 ký giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Biên bản Hợp tác ghi nhớ hợp tác Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản ký ngày 21/5/2022 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2030 với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐẮK LẮK

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 1,3 triệu ha (đứng thứ 4 cả nước), trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 650 nghìn ha (lớn nhất nước), đất lâm nghiệp trên 520 nghìn ha (thứ 10 cả nước). Đắk Lắk có điều kiện đất đai, khí hậu và địa hình sản xuất nông nghiệp tương đối bằng phẳng, là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 300.000 ha đất đỏ Bazan màu mỡ rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; có gần 42.000 ha mặt nước, khí hậu ôn hòa... Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

1. Về sản xuất

a) Trồng trọt (chiếm khoảng 74% giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh): Cà phê với diện tích trên 213 ngàn ha, sản lượng trên 520.000 tấn (lớn nhất cả nước); Cao su có diện tích khoảng 34.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 38.000 tấn/năm; Hồ tiêu có diện tích khoảng 32.000ha, sản lượng trên 81.000 tấn (đứng đầu cả nước); Điều có diện tích trên 27.000 ha, sản lượng khoảng 31.000 tấn; Cây ăn quả có diện tích trên 43.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 220.000 tấn/năm, với các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đặc biệt là Sầu Riêng (trên 14.900ha); Bơ (trên 9.000ha); Lúa trung bình gieo trồng trên 110.000ha/năm (đứng đầu khu vực Tây Nguyên); Ngô khoảng 94.000ha (đứng thứ 2 cả nước).

b) Chăn nuôi (chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh): Quy mô đàn vật nuôi của tỉnh tương đối ổn định với đàn trâu, bò 279.900 con; đàn lợn 970.000 con; đàn gia cầm 13.600.000 con, đàn dê 125.000 con, 235.000 đàn ong. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 162.700 tấn; sản lượng trứng các loại ước đạt 233 triệu quả. Toàn tỉnh có 72 trang trại quy mô lớn, 722 trang trại quy mô vừa, trên 5.600 trang trại quy mô nhỏ và khoảng 109.000 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Trên địa bàn tỉnh có 08 Công ty chăn nuôi triển khai liên kết sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo hình thức gia công với khoảng 400 trang trại chăn nuôi lợn với khoảng 200.000 con lợn (chiếm 23,3% tổng đàn lợn toàn tỉnh) và 3.000.000 con gà (chiếm 26,5% tổng đàn gà toàn tỉnh).

c) Thủy sản (chiếm khoảng 03% giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh): Đắk Lắk có tiềm năng phát triển thủy sản nội đồng (phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện). Với trên 700 hồ chứa và các hệ thống sông, diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản trên 42.000 ha (ao hồ nhỏ, hồ chứa, sông suối, ruộng trũng), đây là tiềm năng lớn để phát triển ngành thủy sản, đặc biệt phát triển nuôi cá nước lạnh. Năm 2021, tổng sản lượng cá bột đạt 690 triệu con, sản lượng cá giống đạt 65 triệu con; diện tích nuôi trồng 13.050 ha; sản lượng nuôi trồng đạt 25.500 tấn; sản lượng khai thác đạt 1.700 tấn.

2. Về quản lý vật tư nông nghiệp

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 05/12/2016 về tăng cường công tác quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 02/8/2021 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đắk lắk; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 02/8/2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả phân bón trên địa bàn Đắk Lắk; Kế hoạch số 9989/KH-UBND ngày 13/10/2021 về thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giai đoạn 2021-2025.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ: Tổ chức khoảng 200 lớp tập huấn chuyên môn, tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật cho trên 10.000 lượt người tham dự, đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông; Tổ chức thanh tra, kiểm tra tại hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (phát hiện 184 cơ sở vi phạm các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón - chiếm tỷ lệ 18,4%); Lấy 380 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phân tích chất lượng (phát hiện 31 mẫu không đảm bảo chất lượng - chiếm tỷ lệ 8,2%); Lấy 186 mẫu sản phẩm nông sản giám sát an toàn thực phẩm (phát hiện 26 không đảm bảo chất lượng - chiếm tỷ lệ 13,9%).

3. Về sử dụng vật tư nông nghiệp

Với quy mô ngành nông nghiệp lớn, hàng năm tỉnh Đắk Lắk sử dụng khoảng 1.700 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 340 tấn/năm chiếm khoảng 20%. Bình quân người dân sử dụng 2,54 kg thuốc bảo vệ thực vật /1 ha đất sản xuất/năm.

Lượng phân bón sử dụng hàng năm khoảng 1.227.000 tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%. Ngoài ra còn có 1.223.000 tấn phế phụ phẩm (Rơm rạ, thân, lá, lõi cây ngô, vỏ cà phê, cồi tiêu, bã mía, bã sắn, vỏ sầu riêng…) sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ. Bình quân lượng phân bón sử dụng 4 tấn/ha/năm, bao gồm cả phân bón hữu cơ sinh học và phân bón hữu cơ truyền thống tự sản xuất không thương mại.

Lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ bình quân khoảng 1.000.000 tấn/năm.

Thực hiện Kế hoạch số 9989/KH-UBND ngày 13/10/2021 về thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giai đoạn 2021-2025. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8/15 huyện, thị xã đã bố trí bể thu gom với tổng số 750 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, trong đó số lượng thuốc bảo vệ thực vật được thu gom là 7.240 kg, số lượng đã được tiêu hủy là 4.700 kg.

4. Đánh giá chung

Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm, bình quân tăng 8,39%/năm (KH tăng 4,5-5%). Nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (giá trị GRDP - theo giá so sánh 2010 trên 21.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 36% GRDP). Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,64%/năm, đặc biệt là nhóm cây công nghiệp dài ngày, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,... chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, sản xuất nông nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục, như: nhận thức, tư duy về sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường còn hạn chế; nông nghiệp phát triển chưa ổn định và bền vững; nông sản hàng hóa chưa tập trung, sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn; sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm chưa trở thành phổ biến; kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển chủ yếu về số lượng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; năng suất lao động thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao và có xu hướng chậm lại, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp thấp, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu tăng nhanh của sản xuất và phục vụ đời sống dân cư. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể:

- Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận rất thấp, đạt khoảng 53.000 ha/650.000 ha, chiếm tỷ lệ 8,15%.

- Lượng phân bón sử dụng cao, khoảng 4 tấn/ha/năm.

- Bố trí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật chỉ có 8/15 huyện, thị xã thực hiện.

- Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 592/700 cơ sở (chiếm tỷ lệ 84,6%); ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn 13.498/17.207 cơ sở (chiếm tỷ lệ 78,44%);

- Tỷ lệ cơ sở vi phạm các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cao (18,4%).

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm cao (13,43 %).

II. YÊU CẦU ĐẶT RA

[...]