Kế hoạch 215/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 tại thành phố Hải Phòng

Số hiệu 215/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2021
Ngày có hiệu lực 21/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Anh Quân
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 21 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2021-2025 TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thực hiện Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 tại thành phố Hải Phòng với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành phố, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia hợp tác xã và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

2. Các mục tiêu cụ thể

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thành phố Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển gần 200 tổ hợp tác; có trên 400 hợp tác xã hoạt động, trong đó có 310 hợp tác xã nông nghiệp, 150 hợp tác xã thương mại, dịch vụ, vận tải, ngành nghề khác; có 03 liên hiệp hợp tác xã trong các lĩnh vực, trong đó có 02 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp, 01 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.

- Khu vực kinh tế tập thể đóng góp 0,67% GRDP thành phố; phấn đấu giải thể 100 các hợp tác xã đã ngừng hoạt động, chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

- 100% số cán bộ chủ chốt HTX được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó 70% được đào tạo trình độ cao đẳng và đại học; 100% cán bộ HTX được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật.

- Có khoảng 70% số HTX đạt khá, giỏi, không có HTX yếu kém.

- 100% HTX được tiếp cận thông tin thị trường, khoa học và công nghệ,...

- Có trên 50% HTX được giao, cho thuê đất đế làm trụ sở và nơi sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

- trên 50% HTX ứng dụng chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, dịch vụ.

- Có trên 80% HTX tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động, phúc lợi xã hội.

- Phấn đấu có từ 60% - 70% HTX liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó, có khoảng 90% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân khác theo chuỗi giá trị.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KTTT GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Định hướng chung

- Phát triển kinh tế tập thể phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới; phù hợp với nội dung triển khai Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

- Nâng cao khả năng thích nghi của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hội nhập; nâng cao giá trị của HTX đối với thành viên, người lao động về cung ứng dịch vụ, tăng thu nhập, đời sống nhất là địa bàn nông thôn...; tham gia tích cực các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở nông thôn, thực hiện hiệu quả các vấn đề xã hội, văn hóa.

- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, thu hút đông đảo các thành phần xã hội tham gia; bảo đảm quyền và lợi ích của thành viên tham gia HTX.

- Xóa bỏ hoàn toàn nhận thức, mô hình hoạt động của hợp tác xã kiểu cũ. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về kinh tế tập thể. Dần trở thành thành phần kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

2. Định hướng phát triển KTTT theo ngành, lĩnh vực chủ yếu

- Phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo từng thời kỳ của thành phố, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

- Các ngành, địa phương định hướng xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã lớn, kiểu mới, hợp tác xã cung cấp các dịch vụ đời sống cho người dân như nhà ở, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, du lịch. Xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương. Chú trọng phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết hình thành chuôi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm chủ lực; phát triển kinh tế tập thể, HTX tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một yêu cầu khách quan, cấp thiết để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, đặc biệt trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, áp lực cạnh tranh hàng hóa nhập khẩu ngày càng gia tăng. Để thực hiện chiến lược phát kinh tế tập thể thành phố giai đoạn 2021-2025, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

[...]