Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Kế hoạch 207/KH-UBND năm 2023 về tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026 tỉnh Cà Mau

Số hiệu 207/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2023
Ngày có hiệu lực 24/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/KH-UBND

Cà Mau, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2024 - 2026 TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 của địa phương với nội dung cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

1. Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau 6 tháng đầu năm 2023

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, có những thuận lợi so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn thách thức như: tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế lớn, nhất là các nước nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, sức mua suy giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong nước còn khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới, một bộ phận người lao động bị mất việc làm; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống người dân, tác động đến khả năng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau:

- Theo số liệu ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh) 6 tháng tăng 8,61% (cùng kỳ tăng 4,17%); trong đó, khu vực ngư - nông - lâm nghiệp tăng 3,67% (cùng kỳ tăng 6,35%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,71% (cùng kỳ tăng 0,31%); khu vực dịch vụ tăng 8,04% (cùng kỳ tăng 7,04%); thuế sản phẩm tăng 1,87% (cùng kỳ giảm 3,82%).

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ (10.171 tỷ đồng).

- Tổng sản lượng thủy sản đạt 321.000 tấn, bằng 50,2% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm đạt 126.300 tấn, bằng 52% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 8,3% so cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như sau: sản lượng chế biến tôm đạt 102.000 tấn, bằng 51% kế hoạch, tăng 2,3% so cùng kỳ; sản lượng phân bón đạt 600.000 tấn, bằng 60% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ; sản lượng khí thương phẩm đạt 820 triệu m3, bằng 56,6% kế hoạch, tăng 26,2% so cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất đạt 2.960 triệu kWh, bằng 60,4% kế hoạch, tăng 44% so cùng kỳ; sản lượng LPG - Condensate đạt 69.000 tấn, bằng 60,5% kế hoạch, tăng 39,7% so cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 43.800 tỷ đồng, bằng 57,7% kế hoạch, tăng 13,4% so cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 565 triệu USD, bằng 43,5% kế hoạch, giảm 22,9% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 53 triệu USD, giảm 57% so cùng kỳ; trong đó, hàng thủy sản đạt 15 triệu USD, tăng 46% so cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa khác đạt 38 triệu USD, giảm 66% so cùng kỳ.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 62/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 75,61%.

- Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của toàn tỉnh đến nay là 358/499 trường, đạt tỷ lệ 71,74%. Trong đó, cấp Mầm non 106/133 trường, đạt tỷ lệ 79,7%; cấp Tiểu học 158/219 trường, đạt tỷ lệ 72,14%; cấp Trung học cơ sở 91/114 trường, đạt tỷ lệ 79,82% và cấp Trung học phổ thông 03/33 trường, đạt tỷ lệ 9,1%.

- Giải quyết việc làm cho 28.588 người/40.100 người, đạt 71,3% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ (trong đó: 8.234 lao động trong tỉnh, 20.081 lao động ngoài tỉnh và 273 lao động đi làm việc ở ngoài nước).

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 1.103.445 người, tỷ lệ bao phủ đạt 91,29%.

2. Tình hình thực hiện dự toán ngân sách 06 tháng đầu năm 2023

2.1. Thu NSNN

Năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị thông qua tổng thu ngân sách nhà nước 4.834 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 4.721 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 113 tỷ đồng.

a) Tình hình thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023

- Thực hiện thu 6 tháng đầu năm là 2.667,04 tỷ đồng, đạt 55,17% dự toán (4.834 tỷ đồng), tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2022 (2.506,36 tỷ đồng). Trong đó: Thu nội địa 2.607,28 tỷ đồng, đạt 55,23% dự toán (4.721 tỷ đồng), tăng 11,10% so cùng kỳ năm 2022 (2.346,78 tỷ đồng); Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 59,76 tỷ đồng, đạt 52,88% dự toán (113 tỷ đồng), bằng 37,45% so cùng kỳ năm 2022 (159,58 tỷ đồng).

Về nguồn thu: Có 10 nguồn thu đạt trên 50% dự toán; gồm: Thu từ khu vực DNNN Trung ương đạt 58,91% dự toán; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,59% dự toán; Thuế thu nhập cá nhân đạt 57,40% dự toán; Thu phí, lệ phí đạt 60,75%; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 85,11% dự toán; Thu tiền sử dụng đất đạt 57,18% dự toán ; Thu cổ tức, lợi nhuận còn lại đạt 113,86 % dự toán ; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (kể cả xổ số điện toán) đạt 57,46% dự toán; Thu khác ngân sách đạt 71,15% dự toán; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,88% dự toán. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nguồn thu đạt thấp so với dự toán, cụ thể: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 46,92%; thuế bảo vệ môi trường đạt 42,23%; thu lệ phí trước bạ đạt 41,00%; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt 36,00%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 48,00%; thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản khác tại xã bằng 4,00%; thu từ khu vực biển đạt 35,00%.

- Ước thực hiện thu năm 2023 là 4.836 tỷ đồng, đạt 100,04% dự toán. Trong đó: thu nội địa 4.723 tỷ đồng/4.721,00 tỷ đồng, đạt 100,04% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 113 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

[...]