Kế hoạch 2064/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định 1895/QĐ-TTg về Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 2064/KH-UBND
Ngày ban hành 05/05/2022
Ngày có hiệu lực 05/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2064/KH-UBND

Bình Dương, ngày 05 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1895/QĐ-TTG NGÀY 11/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG VÀ KHƠI DẬY KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN CHO THANH NIÊN, THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” (sau đây gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.

Khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, gồm các chỉ tiêu sau đây:

- Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh, sinh viên (HSSV) và ít nhất 75% tổng số thanh niên Việt Nam còn lại ở trong tỉnh và đang làm việc, học tập ở nước ngoài được tham gia vào các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên là HSSV được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, được phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.

- Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên HSSV và ít nhất 80% thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động lao động tập thể trong và ngoài nhà trường.

- Giới thiệu trên 5.400 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 1.330 và đến năm 2030 ít nhất 2.600 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

- Đến năm 2025 đạt trên 98% thanh niên HSSV trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 99%.

- Đến năm 2025 đạt trên 85% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình.

- Đến năm 2030 đạt 95% trở lên hộ gia đình cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

2. Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên HSSV, gồm các chỉ tiêu sau đây:

- Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên HSSV trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

- Hằng năm, 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên HSSV được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

- Phấn đấu 100% thanh niên HSSV hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên HSSV được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 30%; 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

a) Thực hiện nội dung, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và địa phương Bình Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Đối với giáo dục mầm non: Tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức về bản thân; khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm, cảm xúc với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội (chăm ngoan, lễ phép, thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy, mạnh dạn, tự tin, tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ, thực hiện quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở trường, lớp mầm non, gia đình và nơi công cộng, quan tâm đến bảo vệ môi trường,...) để hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền tảng cho việc học tập, rèn luyện ở các cấp học tiếp theo.

- Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành; triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn học (Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh...), các hoạt động giáo dục trong đó tập trung vào các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp: Triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kết hợp công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho HSSV đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

- Đối với giáo dục đại học: Thực hiện chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị, bồi dưỡng cho sinh viên lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; phát huy năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức; làm chủ khoa học và công nghệ; có tinh thần lập nghiệp; có ý thức phục vụ nhân dân, phấn đấu trở thành công dân học tập trong nền kinh tế số, xã hội số.

[...]