Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2023 về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong sản xuất, kinh doanh, truyền tải và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 204/KH-UBND
Ngày ban hành 14/08/2023
Ngày có hiệu lực 14/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH, TRUYỀN TẢI VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố thiết bị điện dẫn đến nhiều cái chết thương tâm, nhất là đối tượng người già và trẻ em, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra các vụ cháy làm 5 người tử vong. Ước tính trên 70% nguyên nhân các vụ cháy trên địa bàn tỉnh hiện nay là do chập điện, sự cố hệ thống điện, thiết bị điện. Nguyên nhân sâu xa hơn là do ý thức, trách nhiệm của một số người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện, câu móc điện, đấu nối thêm các thiết bị điện vượt quá công suất cho phép của hệ thống; không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị điện thường xuyên và vi phạm các quy định an toàn PCCC và CNCH trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải và sử dụng điện.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; nhằm tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trong sản xuất, kinh doanh, truyền tải và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm an toàn về PCCC nói chung và công tác bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng điện nói riêng.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC và CNCH, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải và sử dụng điện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực điện lực.

2. Yêu cầu

- Thủ trưởng các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai rộng rãi các nội dung trong kế hoạch này đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong phạm vi quản lý của mình.

- Huy động tối đa các nguồn lực của đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đặc biệt các vụ cháy, nổ liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải và sử dụng điện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

a) Nội dung: Tập trung cung cấp thông tin thực trạng, phân tích nguyên nhân, hậu quả, tác hại do cháy, nổ từ hệ thống, thiết bị điện gây ra; nội dung tuyên truyền phải bám sát các quy định của pháp luật về PCCC, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC (như: Luật PCCC; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC; các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, các quy định đảm bảo an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện,…), các biện pháp sử dụng điện an toàn, cách kiểm tra, phát hiện và thay thế các thiết bị sử dụng điện không đảm bảo an toàn; đồng thời hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, người dân trang bị, sử dụng các phương tiện chữa cháy, cách báo tin khi phát hiện xảy ra cháy, nổ, cách xử lý tình huống cháy, nổ, tố giác các vi phạm về PCCC và CNCH.

b) Hình thức

- Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, truyền thanh tại các đơn vị, cơ sở, thôn, xóm, tổ dân phố; hệ thống loa phát thanh tại các điểm nút giao thông trọng điểm, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có công suất sử dụng điện lớn... trên địa bàn.

- Đăng các tin bài, clip, phóng sự về việc triển khai thực hiện Kế hoạch của các đơn vị, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...).

- Kết hợp tuyên truyền nói với trực quan bằng hình ảnh (trên các pano, áp phích, dùng slide, máy chiếu); tuyên truyền trực tiếp tại các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao có lồng ghép nội dung về PCCC giữa các thôn, bản, khu phố; các hoạt động hội, đoàn thể liên quan đến PCCC như: Vẽ tranh cổ động về PCCC, sân khấu hóa công tác PCCC và CNCH.

2. Công tác kiểm tra

a) Đối tượng kiểm tra

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, truyền tải điện và các cơ sở có công suất tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh (thuộc Phụ lục I, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ).

- Khu dân cư; hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

b) Thành lập các đoàn kiểm tra

- Tại cấp tỉnh: Thành lập 02 Đoàn kiểm tra liên ngành do các đồng chí lãnh đạo Sở Công Thương, Công an tỉnh làm trưởng đoàn; thành viên là lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên các đơn vị: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Công ty Điện lực Thanh Hóa để tiến hành kiểm tra các cơ sở trọng điểm về PCCC, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, truyền tải điện và các cơ sở có công suất tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh.

- Tại cấp huyện: Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở thuộc địa bàn quản lý (trừ các cơ sở do Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra) theo nội dung của kế hoạch này.

- Tại cấp xã: Thành lập các Đoàn kiểm tra tại địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn, trách nhiệm của UBND cấp xã quản lý (trừ các cơ sở do Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra) theo nội dung của kế hoạch này.

c) Nội dung kiểm tra

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC và CNCH đối với các tổ chức, cá nhân, trong hoạt động sản xuất, truyền tải, kinh doanh, sử dụng điện trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và các đối tượng khác trong công tác PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Chương II, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ; việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị sản xuất, truyền tải (đặc biệt công tác bảo trì, bảo dưỡng đường dây dẫn điện, công tơ điện trên cột điện); đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh tập trung kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện trong nhà và công trình theo quy định của pháp luật về an toàn trong sử dụng điện dân dụng.

[...]