Kế hoạch 2017/KH-UBND năm 2022 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 2017/KH-UBND
Ngày ban hành 08/09/2022
Ngày có hiệu lực 08/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2017/KH-UBND

Gia Lai, ngày 08 tháng 09 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CỘNG TÁC VIÊN LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2022-2030

Căn cứ Quyết định số 520/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 441/QĐ-BYT ngày 28/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030;

UBND tỉnh xây dựng Kế  hoạch Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030 như sau:

I. Sự cần thiết

Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác dân số các cấp (sau đây gọi tắt là đội ngũ làm công tác dân số các cấp) là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác dân số.

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân số các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức của đội ngũ làm công tác dân số về đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, xác định học tập là để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động từ sự thay đổi về bộ máy tổ chức làm công tác dân số, việc giải thể, sáp nhập kéo theo biến động lớn về đội ngũ, đặc biệt là từ cấp huyện trở xuống cho đến cộng tác viên đã làm ảnh hưởng đến nguồn lực và chất lượng đội ngũ làm công tác dân số. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu trong công tác dân số phát triển; một số người được tuyển dụng còn hạn chế chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân số chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác dân số trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân số có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là rất cần thiết.

II. Thực trạng, kết quả và nhu cầu hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh

1. Thực trạng về nhân sự, trình độ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất

a. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên

Thời gian qua, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh do giảng viên của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế); giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai (khối y - dược); lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn và cán bộ là giảng viên tuyến tỉnh của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và các giảng viên, báo cáo viên khác được mời để tập huấn, bồi dưỡng theo chuyên đề.

b. Cơ sở đào tạo

- Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo theo chương trình trung cấp Y tế Dân số và tham gia thực hiện chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn viên chức dân số, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dân số.

- Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trực tiếp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác dân số cho viên chức dân số xã và đội ngũ cộng tác viên dân số và phối hợp với Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức lớp bồi dưỡng đạt chuẩn viên chức dân số, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dân số và một số lớp bồi dưỡng chuyên đề khác (khi được cơ quan chức năng cho phép).

2. Thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp và kết quả đào tạo bồi dưỡng

a) Thực trạng

- Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh gồm 17 thành viên do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Giám đốc Sở Y tế làm Phó Trưởng ban; các Thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là Chi cục DS-KHHGĐ. Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã được kiện toàn đi vào hoạt động.

- Hiện nay đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh có 270 người, trong đó:

+ Tuyến tỉnh (Chi cục DS-KHHGĐ): 10 người, trình độ đại học 10 (y dược 2, các ngành khác 8).

+ Tuyến huyện (Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố): 52 người, trình độ trên đại học 01 người, Đại học 36 người (y dược 9, các ngành khác 27); cao đẳng 02 người, trung cấp 13 người (y dược 11, các ngành khác 2). Số người đã có chứng chỉ bồi dưỡng dân số đạt chuẩn viên chức là 48 người, số người đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dân số viên hạng III là 14 người.

+ Tuyến xã: 208 người, trong đó đại học 52 người (y dược 29, các ngành khác 23); cao đẳng 54 người (y dược 50, các ngành khác 04); trung cấp 102 (y dược 93, các ngành khác 09). Số người đã có chứng chỉ bồi dưỡng dân số đạt chuẩn viên chức là 200 người; số người đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dân số viên hạng III là 5 người.

- Cộng tác viên dân số: 2.592 người.

b) Kết quả đào tạo, bồi dưỡng

Hàng năm, công tác xây dựng, lập kế hoạch và tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp được triển khai theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ. Các chương trình, nội dung tập huấn đa dụng, phong phú, cung cấp các kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ DS-KHHGĐ; lồng ghép tập huấn chuyên môn nghiệp vụ với tập huấn các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã dần được hoàn thiện, tại cấp tỉnh và cấp huyện các giảng viên được cử đi tham dự các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Ở cấp tỉnh: Đa số đã qua các lớp đào tạo cơ bản về DS-KHHGĐ: Lớp nghiệp vụ 2 tháng, các lớp tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, lớp giảng viên tuyến tỉnh, tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động, về phương tiện tránh thai, quản lý phần mềm chuyên ngành DS-KHHGĐ; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, về tổ chức sắp xếp bộ máy,....

[...]