Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 20/KH-UBND năm 2023 về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 20/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2023
Ngày có hiệu lực 06/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 06 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ TẦM NHÌN

1. Quan điểm

- Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.

- Bảo tồn đa dạng sinh học là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Lợi ích từ đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được chia sẻ công bằng, hợp lý, phù hợp với sự tham gia, đóng góp của tổ chức và cá nhân.

- Tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Mục tiêu đến năm 2030

2.1. Mục tiêu tổng quát

Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau: diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý bảo vệ tốt mang tính bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao; 80% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định đạt 54,2% vào năm 2030.

- Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn.

- Giá trị của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá, duy trì và nâng cao thông qua việc sử dụng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học; giải pháp dựa vào thiên nhiên được triển khai, áp dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiếp cận và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Tăng cường bảo tồn, bồi hoàn và phục hồi đa dạng sinh học

1.1. Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học

- Thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước nội địa; thành lập và quản lý bền vững các hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa các khu bảo tồn thiên nhiên.

- Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; rà soát, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học; giáo dục môi trường, đa dạng sinh học; thử nghiệm và từng bước áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở những địa bàn phù hợp.

- Xây dựng, ban hành các tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho di sản thiên nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế hộ gia đình bền vững của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong vùng đệm.

1.2. Củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế

- Xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng; ưu tiên áp dụng các mô hình thí điểm, cơ chế mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển.

- Quản lý Di sản thiên nhiên thế giới được tổ chức Quốc tế công nhận, các khu dự trữ sinh quyển thế giới theo hướng quản lý tổng hợp, có sự tham gia của các bên liên quan; bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

1.3. Áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên

[...]