Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2024 bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 06/03/2024
Ngày có hiệu lực 06/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Căn cứ Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2030, như sau:

A. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

Sức khoẻ tâm thần là một trong những yếu tố rất quan trọng của sức khoẻ con người. Trong cuộc sống hiện đại không chỉ người lớn mà trẻ em cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ môi trường, thiên tai, dịch bệnh, stress, học tập,... và cả việc mất đi người thân - sự mất mát về tinh thần cũng như vật chất của trẻ em mồ côi là rất lớn.

An Giang là tỉnh đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 353.676 ha, gồm 11 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh An Giang có 438.708 trẻ, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em là 4.113 trẻ, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 33.882 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 67%. Bên cạnh đó trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ là 491 trẻ; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ là 2020. Trên toàn tỉnh, hiện chưa có Phòng khám tâm lý tâm thần dành riêng cho trẻ em. Phòng khám Tâm thần tại bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang hiện tại đang theo dõi và điều trị cho khoảng 100 - 200 trẻ có các vấn đề về bệnh lý tâm thần, phần lớn trẻ em phải điều trị ở các tuyến trên.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi là nội dung quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe về thể chất, song thực tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc giúp cho cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cũng như nắm bắt được các biện pháp cơ bản để chăm sóc tinh thần cho trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em để thế hệ tương lai lớn lên, trưởng thành có ích cho xã hội.

Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần, giáo dục trẻ mồ côi là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của toàn xã hội. Sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của toàn xã hội sẽ giúp cho trẻ em mồ côi, trẻ em tâm thần có cơ hội và điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển toàn diện.

B. KẾ HOẠCH BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em.

- Huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhất là trẻ em mồ côi và trẻ em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2024 - 2025

- Phấn đấu 50% trẻ em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khoẻ tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

- Phấn đấu 80% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2028

- Phấn đấu 65% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

- Phấn đấu 90% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình không phải là người thân, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

2.3. Giai đoạn 2029 - 2030

- Phấn đấu 75% trẻ em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khoẻ tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

- Phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình không phải là người thân, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Đối tượng

- Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

[...]