Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 196/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2018
Ngày có hiệu lực 18/10/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ GIAI ĐOẠN 2019-2020

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ và bộ tiêu chuẩn quốc gia có liên quan;

- Xây dựng một số mô hình và chuyển giao nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố, phấn đấu đến năm 2020, toàn Thành phố có từ 200-250 ha sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp hữu cơ.

2. Yêu cầu

- Rà soát, tổng hợp nhu cầu phát triển và điều kiện tự nhiên đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương, làm căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển theo quy định.

- Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu, cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ theo quy định.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung kế hoạch

1. Khảo sát, lựa chọn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến, bảo đảm nguyên tắc phù hợp hệ sinh thái, không sử dụng chất hóa học tổng hợp, công nghệ biến đổi gen, phóng xạ hay công nghệ có hại khác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

2. Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế. 100% số hộ nông dân, người sản xuất trực tiếp trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chí nông nghiệp hữu cơ.

3. Xây dựng 5-10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ.

4. Đầu tư, nâng cấp Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đủ năng lực triển khai sản xuất, kiểm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo yêu cầu trong nước và quốc tế.

5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm.

6. Xây dựng, trình duyệt cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về nông nghiệp hữu cơ

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định pháp luật về nông nghiệp hữu cơ đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội biết, chủ động tham gia phối hợp phát triển sản xuất (Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, một số văn bản hướng dẫn; Bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ: TCVN 11041-1:2017, TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-3:2017; TCVN 12134:2017); một số tiêu chuẩn quốc tế, như IFOAM, USDA-NOP, JAS,...)

2.2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước

- Quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch liên quan phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

- Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương, Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo đúng quy định pháp luật;

2.3. Tổ chức xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến trên địa bàn Thành phố

Tăng cường đánh giá khách quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, để chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn Thành phố.

2.4. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào lĩnh vực quản lý, sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm

2.5. Tổ chức phát triển sản xuất gắn kết phát triển các chuỗi giá trị

Phát triển sản xuất gắn phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm tăng hiệu quả đầu tư, cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.

[...]