Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình hành động 52-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2024
Ngày có hiệu lực 13/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 13 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 52-CTR/TU NGÀY 19/3/2024 CỦA TỈNH ỦY KIÊN GIANG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC NHANH VÀ BỀN VỮNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong tình hình mới và Chương trình hành động số 52-CTr/TU ngày 19/3/2024 của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc 3 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời tập trung thực hiện tốt các quan điểm sau:

a) Trí thức nói chung, trí thức trong tỉnh nói riêng, đều là lực lượng quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đội ngũ trí thức trong tỉnh vững mạnh là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của đảng bộ và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, quản lý của chính quyền và chất lượng của hệ thống chính trị và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

b) Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững của tỉnh, góp phần bồi đắp “nguyên khí quốc gia”. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của đảng bộ, chính quyền giữ vai trò quyết định.

c) Trí thức có vinh dự và bổn phận trước quê hương và dân tộc, phải không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của tỉnh.

2. Yêu cầu

* Đến năm 2030:

a) Phát triển đội ngũ trí thức bảo đảm về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo sự phát triển nhanh, hài hòa và bền vững của tỉnh, theo hướng phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, tiếp cận nền kinh tế tri thức, kinh tế số; tăng cường gắn bó giữa cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với trí thức; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công-nông-trí.

b) Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

c) Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đảm bảo có trình độ chuyên môn cao, năng lực thực tiễn tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời; chú trọng công tác đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường lao động.

d) Phấn đấu 100% công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; 100% trường cao đẳng, 50% trường trung cấp và 80% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia[1].

đ) Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%, tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%); khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại[2].

* Tầm nhìn đến năm 2045: Đội ngũ trí thức tỉnh lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ phát triển các nước ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trong nước.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng đội ngũ trí thức

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xác định việc xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm thúc đẩy xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức trong địa bàn, lĩnh vực được giao; Quán triệt và đổi mới nhận thức về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và vai trò quan trọng của trí thức với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố có ý nghĩa quyết định trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế trí thức. Phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức học tập, làm việc, cống hiến.

2. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát lại toàn bộ đội ngũ trí thức của đơn vị mình, căn cứ vào vị trí việc làm và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, xây dựng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong đó xác định rõ số lượng, cơ cấu, chất lượng, lĩnh vực chuyên môn, trình độ, thời gian, loại hình và nơi đào tạo bồi dưỡng; lựa chọn những người thật sự có năng lực và triển vọng đưa đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và nước ngoài trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ, chuyên gia đầu ngành của tỉnh.

Quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển cơ sở nghiên cứu có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức. Khuyến khích việc liên kết, hợp tác giữa cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu trong và người nước để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động.

Sở Nội vụ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chính sách, đề án bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương. Xác định lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để phát huy tốt nhất năng lực, sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành có uy tín. Động viên trí thức phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia đóng góp cho quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến chính đáng của đội ngũ trí thức. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho trí thức trẻ, trí thức là nữ và người dân tộc.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền; triển khai thực hiện tốt chủ trương, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đảm bảo phù hợp khả thi, đồng bộ và hiệu quả.

Tăng cường vai trò quản lý chính quyền trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh trong xây dựng đội ngũ trí thức.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ