Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án 14-ĐA/TU về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 188/KH-UBND
Ngày ban hành 21/03/2022
Ngày có hiệu lực 21/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Nghệ An, ngày 21 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 14-ĐA/TU NGÀY 25/01/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CÓ KỸ NĂNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 14-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nhằm tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao.

3. Phân công và phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, hội doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, người lao động; đảm bảo việc triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 -2025

- Đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 254.600 người. Trong đó, nữ chiếm 35%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên 165.400 lượt người; đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 280.200 người (các ngành nghề trọng điểm 24.500 người), gồm các cấp trình độ: cao đẳng 20.200 người; trung cấp 44.000 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 216.000 người.

- Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9% (trình độ cao đẳng 96,1%, trung cấp đạt 95,4%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,1%); có 3-5 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31% vào cuối năm 2025 (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 64,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 23,5%).

- Phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề đạt 40 % và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề 45%.

- Phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

- Có 01-02 trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao; 70% nhà giáo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề; 70% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

2. Định hướng đến năm 2030

- Đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 329.700 lượt người, gồm các cấp trình độ: cao đẳng 31.950 người (tăng 21,48% so với giai đoạn 2021 - 2025); trung cấp 57.750 người (tăng 19,07%); sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 240.000 người (giảm 5,73%). Trong đó: đào tạo lại, đào tạo thường xuyên 148.800 lượt người; đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 298.830 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 28.700 người; trung cấp 53.130 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 217.000 người.

- Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 83,3%; trong đó: trình độ cao đẳng 98,4%; trung cấp đạt 97,5%; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đạt 78,2%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030 (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 70%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%).

- Phấn đấu có 01-02 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, gắn với khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, các ngành, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

b) Đưa chỉ tiêu nhiệm vụ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và chỉ tiêu phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và gắn với đánh giá kết quả thực hiện của từng đơn vị, cá nhân người đứng đầu.

c) Đa dạng hóa, linh hoạt hình thức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp thiết thực, phù hợp với từng vùng miền như: Ngày hội tư vấn tuyển sinh, tổ chức cho học sinh phổ thông giao lưu, trải nghiệm tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp...; đổi mới nội dung chương trình giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục trong nhà trường theo hướng tinh giảm, phù hợp với lứa tuổi học sinh và gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, địa phương.

d) Tổ chức khảo sát, thống kê kịp thời, chính xác nhu cầu học nghề người lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để kết nối giữa các cơ quan quản lý dự báo cung - cầu nguồn nhân lực với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường phổ thông và các doanh nghiệp nhằm cung cấp kịp thời thông tin tuyển sinh, ngành nghề, trình độ đào tạo, cơ hội việc làm, xu hướng, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước.

2. Nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Xây dựng triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo năng lực, chất lượng, hiệu quả. Khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

[...]