Kế hoạch 1855/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2022

Số hiệu 1855/KH-UBND
Ngày ban hành 03/05/2022
Ngày có hiệu lực 03/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1855/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 03 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025"; Quyết định số 303/QĐ-LĐTBXH ngày 01/4/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" năm 2022;

Thực hiện Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 31/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp; khơi dậy tinh thần và trang bị kiến thức về khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp giúp HSSV tự tin, chủ động trong khởi nghiệp, tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, tự tạo việc làm; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo của HSSV và lựa chọn các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu nhân rộng trong toàn tỉnh.

- Tăng cường nguồn lực xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài nước vào công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

2. Yêu cầu:

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức của từng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, công chức, người lao động của ngành trong việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” năm 2022.

- Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp chủ động tích cực phối hợp các ngành liên quan triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách “hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” năm 2022. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch được tổ chức rộng khắp trong các địa phương và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo thực hiện hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác thông tin truyền thông:

- Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, tác phẩm tuyên truyền về khởi nghiệp dành cho HSSV giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức truyền thông về khởi nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các bài viết, tin ảnh, phóng sự tuyên truyền về khởi nghiệp.

- Truyền thông về khởi nghiệp trên mạng xã hội: xây dựng các videoclip và infographic, app… về các mô hình khởi nghiệp, chuyên đề truyền thông về khởi nghiệp trên mạng xã hội.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn HSSV sử dụng khai thác nguồn thông tin, học liệu từ cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

- Tổ chức tuyên dương, khen thưởng điển hình: tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp của HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua hoạt động tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2022 và đánh giá, trao giải tại các cuộc thi.

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp:

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuyên đề khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn để phù hợp với thực tiễn.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thảo trao đổi, học tập kinh nghiệm về đào tạo khởi nghiệp trong nhà trường cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

3. Tạo môi trường cho HSSV khởi nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

- Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao lưu, khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho HSSV được tiếp cận với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian khởi nghiệp dùng chung cho HSSV trong nhà trường; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo.

[...]