Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 182/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2024
Ngày có hiệu lực 26/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 26 tháng 08 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26/7/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 (gọi tắt là Chỉ thị số 23/CT-TTg) bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung, đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ nói riêng.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tiến độ đã đề ra; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của các Sở, ngành và chính quyền địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung của Chỉ thị số 23/CT-TTg, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương trong việc triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ được giao; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện.

- Quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Các Sở, ngành và chính quyền địa phương theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhất là các nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.

2. Gắn việc triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; các Sở, ngành và chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm hoặc buông lỏng quản lý trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới.

3. Tập trung rà soát, đề xuất các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ đảm bảo thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; trước mắt, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ ngay những quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý nhà nước đối với loại hình này.

4. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho tổ chức, cá nhân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện tiềm ẩn gây mất trật tự, an toàn giao thông.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Giao thông vận tải

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu); xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xuất bến đối với xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải, thiếu các giấy tờ theo quy định, xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình, sử dụng trụ sở công ty, văn phòng đại diện hoặc sử dụng các xe trung chuyển để đón khách sai quy định, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi nhận được cảnh báo các lỗi vi phạm từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình; quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

b) Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu tổ chức quy hoạch các bến xe, các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển thực tế của từng địa bàn, nhằm phục vụ tốt nhất việc đi lại của Nhân dân và lưu thông hàng hóa; tổ chức liên ngành thẩm tra an toàn giao thông đối với các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ của trung ương, có kế hoạch xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; quy hoạch mở rộng lòng đường, vỉa hè; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông giờ cao điểm tại khu vực tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp...

c) Phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên theo quy định, định kỳ báo cáo kết quả về cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông tỉnh.

d) Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, danh sách lái xe kinh doanh vận tải, các đơn vị thường xuyên vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải, rà soát loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng (Thuế, Công an, Y tế) và các cơ quan khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.

e) Thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải đường bộ; tăng cường công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch đúng quy định mục tiêu nâng cao kỹ năng người lái xe, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, “cơi nới” thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng, vi phạm tốc độ, tránh, vượt, đi sai phần đường, làn đường, chuyển làn không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả).

b) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh,… không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, không bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

c) Khi phát hiện người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy và các chất cấm khác theo quy định pháp luật, ngoài việc gửi thông tin cho chính quyền địa phương nơi lái xe cư trú, cần gửi thông tin cho cơ quan có liên quan về giao thông vận tải và y tế để cùng giám sát và quản lý.

[...]