Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2022 về phát động Phong trào thi đua "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2022-2025" do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 174/KH-UBND
Ngày ban hành 04/08/2022
Ngày có hiệu lực 04/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025”

Căn cứ Quyết định số 57/2018/QĐ-UBND ngày 23/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động Phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025” (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án, tạo bước đột phá để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và có nhiều đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua phải được tổ chức triển khai sâu rộng, thường xuyên tới các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo sự đồng thuận giữa các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.

- Các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan phải coi công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Việc khen thưởng phải công khai, công bằng, chính xác, kịp thời, mang tính nêu gương, tạo động lực để các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

Để tổ chức thực hiện phong trào thi đua có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nội dung chính như sau:

1. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, thi công, giám sát, thi đua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 đạt và vượt tiến độ đề ra.

2. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố nơi có dự án cần giải phóng mặt bằng phải xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm thực hiện kịp thời, trong thời gian ngắn nhất để triển khai thành công các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm.

3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về lợi ích của các dự án khi được triển khai; vận động, khuyến khích người dân tự nguyện hiến đất và chấp hành tốt công tác bàn giao mặt bằng sớm trước thời gian quy định.

4. Tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án đang triển khai, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của từng dự án để đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng phải được triển khai hiệu quả, đúng quy định.

5. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Lấy việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là một trong những tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng. Nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng để hoạt động thực chất và có hiệu quả, đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu, gắn kết quả công tác giải phóng mặt bằng với kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ.

2. Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

3. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, đúng trình tự, thủ tục ngay từ bước đầu, đồng thời vận dụng linh hoạt các bước trong trình tự để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng vẫn bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; kịp thời phát hiện và xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp và đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý (đất công).

5. Đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án đến các đối tượng có đất bị thu hồi, trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án.

6. Thực hiện đầy đủ quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất để tuyên truyền, thuyết phục, khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.

7. Tiếp nhận, xác minh làm rõ và giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu kiện của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; không để tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài, đặc biệt là kiến nghị của các đối tượng bị ảnh hưởng của các dự án để hạn chế thấp nhất các bức xúc trong Nhân dân, hạn chế việc hình thành các điểm nóng về công tác giải phóng mặt bằng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; mặt khác, thông qua việc giải quyết đơn thư, khiếu kiện của người dân, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục, cơ chế, chính sách, pháp luật quy định, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

8. Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời phát hiện những khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện để có phương án khắc phục kịp thời. Kiên quyết đấu tranh , xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi cản trở, gây rối, chống đối, lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh trật tự, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân t rong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng.

[...]