Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1713/KH-UBND năm 2023 về thu hút và đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới

Số hiệu 1713/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2023
Ngày có hiệu lực 24/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1713/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THU HÚT VÀ ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN TỈNH QUẢNG NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” ngày 15/3/2023; Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Công văn số 1265/BYT-DP ngày 15/3/2022 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh; Công văn số 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022 của Bộ Y tế về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với COVID-19; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 45/TTr-SVHTTDL ngày 17/3/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thu hút và đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, tạo sự đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo; góp phần gia tăng lượt khách quốc tế đến Quảng Nam nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

- Xây dựng, quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.

- Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thu hút, đón khách du lịch quốc tế nhằm phục hồi và phát triển du lịch Quảng Nam bền vững.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động thu hút và đón khách du lịch quốc tế phải đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách, doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu hút và đón khách quốc tế.

- Sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn, hiệu quả; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách; chủ động, linh hoạt và sẵn sàng các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách quốc tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Quản lý nhà nước về du lịch

Trong bối cảnh có thể có nhiều biến chủng COVID mới, ngành du lịch cần phải có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về đón khách du lịch quốc tế; xác định việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; sự quản lý thống nhất của chính quyền; phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả vai trò động lực của doanh nghiệp và Nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định; hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch phát triển, cạnh tranh lành mạnh thu hút khách du lịch quốc tế; kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức tour du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế, tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh.

Khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ hoặc charter, tăng cường xúc tiến các đường bay nội địa đến Quảng Nam.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động du lịch; chú trọng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có nhiều khách du lịch quốc tế.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 22/3/2023 về đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/3/2022 về tăng cường hưởng ứng và thực hiện Bộ Tiêu chí du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 3285/QĐ-UBND ngày 01/11/2018 về ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Quảng Nam…

2. Sản phẩm, thị trường du lịch

Sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã có nhiều thay đổi, do vậy cần phát triển các sản phẩm mới đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.

Rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế. Tiếp tục mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế.

Hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn từ giá rẻ đến cao cấp, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như: festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố...; phối hợp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách phù hợp với nhu cầu các thị trường khách quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam.

Xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương; bên cạnh đó, cần bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, độc đáo để hình thành các sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù riêng của từng vùng, từng địa phương nhằm thu hút khách du lịch quốc tế; đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, kiên quyết không cạnh tranh phá giá.

Thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế.

3. Liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch

[...]