Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 171/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2023
Ngày có hiệu lực 30/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 30 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đến năm 2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030; ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ các văn bản áp dụng pháp luật liên quan đến công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh.

b) Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

c) Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

d) Nâng cao nhận thức, vai trò của xã hội về PCTN, TC và chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong PCTN, TC nhằm nâng cao tính khả thi và hiệu quả của Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về PCTN, TC tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; gắn việc triển khai thực hiện Chiến lược PCTN, TC với việc thực hiện các quy định của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước; nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác đấu tranh PCTN, TC.

b) Trên cơ sở quy định của Trung ương và kế hoạch của UBND tỉnh về Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý để đảm bảo việc tổ chức Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030.

c) Việc triển khai thực hiện phải có kế hoạch, thời gian cụ thể, có kiểm tra đánh giá và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện từng nội dung công việc.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chiến lược và chính sách pháp luật về PCTN, TC

- Từ nay đến năm 2030 tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chiến lược pháp luật về PCTN, TC, các văn bản của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác PCTN, TC; thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, gắn công tác PCTN, TC với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

- Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 141/UBND-VP6 ngày 26/6/2013 nhằm trang bị kiến thức, phổ biến cho học sinh, sinh viên các quy định của pháp luật về PCTN từ đó nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên đối với công tác đấu tranh PCTN, TC.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, các cơ quan, đơn vị có liên ban có kế hoạch tuyên truyền Chiến lược về PCTN, TC và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan từng giai đoạn từ nay đến năm 2026 và các năm tiếp theo.

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong đó có nội dung về công tác PCTN, TC.

- Hình thức tuyên truyền: các cơ quan, đơn vị căn cứ đặc điểm, tình hình và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, lựa chọn hình thức, đối tượng tuyên truyền đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả tránh hình thức, lãng phí.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định thực hiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: công tác tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… Thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính.

- Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện các văn bản có nội dung, hình thức không đảm bảo tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật để kịp thời xử lý theo quy định; bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh ban hành thống nhất, đồng bộ, công khai minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật để phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật, mức độ tuân thủ pháp luật, qua đó kịp thời phát huy những kết quả đạt được; rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong thực hiện nhiệm vụ cần tìm ra nguyên nhân, điều kiện, những kẽ hở trong cơ chế quản lý, sử dụng tài chính dễ bị lợi dụng tham nhũng, tiêu cực từ đó kiến nghị, sửa đổi bổ sung chính sách cho phù hợp, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện.

- Thực hiện rà soát, quy định cụ thể về trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, TC đối với ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

3. Kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

- Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo quy định.

[...]