Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 171/KH-UBND
Ngày ban hành 14/07/2021
Ngày có hiệu lực 14/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/KH-UBND

Thanh Hoá, ngày 14 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh được triển khai trong bối cảnh khu vực, thế giới có những yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, tác động đến phát triển kinh tế trong nước như: Xu hướng kinh tế thế giới phục hồi và phát triển; liên kết và tự do hóa thương mại vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng đan xen yếu tố bảo hộ; tác động mạnh mẽ của phát triển khoa học và công nghệ đến các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy; biến động chính trị, xung đột xảy ra nhiều nơi; căng thẳng ở Biển Đông đe dọa đến hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn, tạo cơ hội mở rộng thương mại và thu hút đầu tư. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đến từ tình hình thế giới, khu vực; những hạn chế nội tại của kinh tế trong nước và thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương... tác động bất lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra với phạm vi toàn cầu, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại trên toàn thế giới, trong đó có nước ta và tỉnh Thanh Hóa. Trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; cùng sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn đặc biệt. Cụ thể như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển; quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; thu ngân sách tăng cao, năm sau cao hơn năm trước

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,2%[1] (trong đó giai đoạn 2016 - 2019 đạt 12,5%), gấp 1,4 lần bình quân giai đoạn 2011 - 2015 và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Quy mô GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015; đứng thứ 8 cả nước[2] và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.510 USD, gấp 1,77 lần năm 2015.

1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 29.127 tỷ đồng, tăng bình quân 3%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đã tích tụ, tập trung được 26.861 ha đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, tập trung ở 25 đơn vị cấp huyện[3].

Trồng trọt đạt kết quả khá, tổng sản lượng lương thực đến năm 2020 giữ mức 1,5 triệu tấn, đạt mục tiêu kế hoạch (duy trì ổn định ở mức 1,5 triệu tấn/năm), năng suất hầu hết các các loại cây trồng chính đều tăng[4] so với năm 2015; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1 ha đất canh tác năm 2020 đạt 89 triệu đồng/ha, tăng 14 triệu đồng so với năm 2015. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 45.101 ha đất trồng cây năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn; mở rộng diện tích thâm canh các cây trồng có lợi thế của tỉnh[5]; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm có lợi thế như: Chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt[6]; liên kết sản xuất, thu mua của các nhà máy chế biến tinh bột sắn[7]; chuỗi liên kết sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ[8]; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi và các loại rau màu thực phẩm. Công tác bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện hiệu quả, phát hiện và khống chế kịp thời các loại sâu bệnh khi mới phát sinh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể.

Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, từng bước thay thế mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi[9], cúm gia cầm, nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi tăng so với năm 2015[10]; đã tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi lợi thế như: Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu, con nuôi đặc sản; đồng thời, định hình khá rõ nét các vùng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh[11].

Lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hóa, chuyển từ khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên là chính sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tỉnh đã chủ động rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng; trồng mới được 52.523 ha rừng tập trung; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 53,46%, vượt mục tiêu kế hoạch (52,5%), tăng 1,38% so với năm 2015. Tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế[12]; đã có 19.061 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Toàn tỉnh hiện có 475 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ; 86 cơ sở chế biến tre, luồng, nứa, vầu. Tình hình an ninh rừng cơ bản ổn định; các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Thủy sản phát triển mạnh, đồng bộ cả nuôi trồng, khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 193,8 nghìn tấn, tăng 35,2% so với năm 2015. Khai thác thủy sản chuyển mạnh từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ; sản lượng khai thác năm 2020 đạt 130,2 nghìn tấn, gấp 1,4 lần năm 2015; toàn tỉnh hiện có 7.182 tàu cá, tăng 270 chiếc so với năm 2015, trong đó số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.337 chiếc. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào khai thác, bảo quản sản phẩm, như: công nghệ bảo quản lạnh mới, thiết bị dò cá Sona, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác, thu lưới vây, máy thu thả câu, hệ thống đèn Led... Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, đẩy mạnh áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 19.500 ha, tăng 1.100 ha so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư, nâng cấp; toàn tỉnh có 08 cảng cá, 04 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 09 khu neo đậu tự nhiên và 35 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, nhiều dự án quy mô lớn được triển khai thực hiện như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk và TH True Milk; Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai; Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis; các dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Như Xuân, Bá Thước. Toàn tỉnh hiện có 890 doanh nghiệp, 645 hợp tác xã, 717 trang trại, 1.136 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

ng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao được quan tâm thực hiện[13]. Cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp được đẩy mạnh: Trong trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 89,7%, gieo trồng 15,4%, thu hoạch 55,7%, vận chuyển 78,2%; trong chăn nuôi, đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò... Hệ thống công trình thủy lợi đã chủ động tưới, tiêu cấp nước đảm bảo phục vụ công tác gieo trồng, trong đó một số diện tích mía, cây ăn quả, rau màu áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.

Chương trình MTQG xây dựng NTM đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; đến năm 2020 (tính số liệu sau sát nhập xã, thôn), toàn tỉnh có 08 đơn vị cấp huyện, 329 xã, 834 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã, 62 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 68,97%, vượt mục tiêu kế hoạch (55,8%); bình quân toàn tỉnh năm 2020 đạt 17,5 tiêu chí/xã, tăng 5,2 tiêu chí so với năm 2015. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đến hết năm 2020 có 69 sản phẩm được đánh giá xếp hạng, trong đó: 17 sản phẩm đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao; 02 sản phẩm đề nghị Trung ương thẩm định, công nhận đạt 5 sao.

1.2. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, giá trị sản xuất tăng bình quân 19,5%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 141.640 tỷ đồng, gấp 2,44 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động một số cơ sở công nghiệp mới[14], đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước[15]) tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh; một số ngành công nghiệp thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước như: Lọc dầu, xi măng, thép... Các sản phẩm công nghiệp chủ lực có đóng góp lớn vào tăng trưởng của tỉnh đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao như: Quần áo may sẵn (tăng bình quân 22,2%/năm), giầy thể thao xuất khẩu (17,2%), xi măng (13,6%), sữa tươi (13,5%), điện sản xuất (13,02%)... Tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn tiếp tục có bước phát triển. Toàn tỉnh hiện có 36 nghề TTCN đang hoạt động, trong đó có 27 nghề truyền thống và 09 nghề du nhập mới, phân bố tại 125 làng nghề TTCN[16]; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 14.700 tỷ đồng, chiếm gần 10,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân hàng năm đạt 11,04%; giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 61.943 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015. Doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu từ thiết kế, thi công với các loại vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc hiện đại. Sản xuất vật liệu xây dựng có bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

1.3. Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình dịch vụ, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2020 đạt 56.446, gấp 1,45 lần năm 2015; tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,7%.

Thị trường nội địa phát triển nhanh và đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hằng năm 12,9%; năm 2020, đạt 113.188 tỷ đồng, gấp 1,84 lần năm 2015, đứng thứ 7 cả nước về quy mô thị trường. Hạ tầng thương mại tiếp tục được quan tâm đầu tư, một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn[17] đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả và tiếp tục mở rộng, hình thành các chuỗi hoạt động kinh doanh đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; toàn tỉnh hiện có 02 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 381 chợ và trên 52.500 cửa hàng bán lẻ. Hoạt động xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khai thác tốt tiềm năng của tỉnh và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,4%; giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 3,76 tỷ USD, gấp 1,9 lần so với kế hoạch và gấp 2,43 lần so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh thành phố. Toàn tỉnh hiện có 130 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 15 doanh nghiệp so với năm 2015; hàng hóa của tỉnh xuất khẩu ổn định sang 46 thị trường với 50 mặt hàng. Thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp tỉnh là: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU và các nước ASEAN[18]...

Hạ tầng các khu, điểm du lịch từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều tổ hợp khách sạn, khu du lịch, thể thao, vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng[19]; một số dự án du lịch quy mô lớn đang được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện[20]; cùng với chất lượng dịch vụ được nâng cao, đã tạo ra sức hấp dẫn mới. Lượng khách du lịch đến Thanh Hóa liên tục tăng, nhất là trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19; năm 2020 ngành du lịch đón 7.314.000 lượt khách, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước[21]; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,8%/năm.

Dịch vụ vận tải phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Khối lượng hàng hóa vận chuyển giai đoạn 2016 - 2020 đạt 293 triệu tấn, tăng bình quân 9,03%/năm; vận tải hành khách đạt 256,3 triệu lượt khách, tăng 15,93%/năm; xếp dỡ hàng hóa qua cảng tăng nhanh, năm 2020 đạt 40 triệu tấn, gấp 5,4 lần năm 2015; đã khai thác tuyến dịch vụ vận tải container quốc tế tại Cảng Nghi Sơn. Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế; năm 2020, Cảng hàng không Thọ Xuân phục vụ đạt 1,2 triệu lượt khách. Lĩnh vực bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng, phát triển mạng lưới với công nghệ hiện đại, tốc độ cao; 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính, 100% thôn bản được phủ sóng điện thoại. Mật độ thuê bao điện thoại năm 2020 đạt 76,1 máy/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 49,8 thuê bao/100 dân, tăng 30,4 thuê bao so với năm 2015. Doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bình quân hằng năm 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng.

Mạng lưới các tổ chức tín dụng được mở rộng; dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và Nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 chi nhánh ngân hàng; có 02 tổ chức tài chính vi mô và 67 quỹ tín dụng Nhân dân cơ sở. Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 111.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015; tổng dư nợ tín dụng cho vay đạt 120.420 tỷ đồng, gấp 1,9 lần.

1.4. Thu ngân sách nhà nước tăng trưởng đột phá, năm sau cao hơn năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 năm đạt 110.043 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 19%[22]. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 31.418 tỷ đồng, gấp 2,49 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bô và đứng thứ 11 cả nước[23]. Chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 đạt 161.065 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 60.394 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng chi ngân sách địa phương; chi thường xuyên đạt 100.671 tỷ đồng, chiếm 62,5%.

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực; cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế đạt nhiều kết quả khả quan; phát triển các vùng kinh tế động lực được quan tâm triển khai thực hiện

2.1. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,8% năm 2015 xuống còn 10,8% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 39,3% lên 48,5%; ngành dịch vụ giảm từ 38,5% xuống 32,2% và thuế sản phẩm tăng từ 4,4% lên 8,5%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với thị trường.

Trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 76,3% năm 2015 xuống còn 69,1% năm 2020; lĩnh vực lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 7,9%; lĩnh vực thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%. Cơ cấu các cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng gắn với sản xuất chế biến và nhu cầu thị trường, đã đưa vào nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao[24]; khai thác xa bờ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sản xuất thủy sản. Đã tập trung ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%.

[...]