Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2019 thực hiện Thông tri 28-TT/TU triển khai Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 171/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2019
Ngày có hiệu lực 17/06/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đình Chuyến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 17 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN THÔNG TRI SỐ 28-TT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34-CT/TW NGÀY 20/5/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG, KHỐNG CHẾ BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Thực hiện Thông tri số 28-TT/TU ngày 23/5/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Tiếp tục xử lý, kiểm soát, khống chế các ổ Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố; chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh.

- Tập trung nhanh chóng khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cải thiện đời sống nhân dân.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y; Thông tri số 28-TT/TU ngày 23/5/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy; Quyết định số 3509/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 21/02/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật

a) Công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch

- Tổ chức giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, nhanh chóng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm hoặc kiểm tra, lập biên bản xác định triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh DTLCP để làm căn cứ triển khai các biện pháp xử lý dịch đúng quy định.

- Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, hoặc có biên bản kiểm tra xác định đàn lợn có các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh DTLCP; Ban chỉ đạo các huyện, quận, xã, phường, thị trấn:

+ Tổ chức tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh trong vòng 12-24 giờ; tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc ổ dịch, vùng dịch, vùng dịch uy hiếp và vùng đệm đúng quy trình quy định.

+ Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa phương có dịch; quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn tiêu thụ tại địa phương có dịch đúng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.

- Tổ chức triển khai các biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời, chấm dứt tình trạng vứt xác lợn chết ra nơi công cộng (sông, kênh mương, bãi rác, ...) gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh.

- Tổ chức kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các hố chôn hủy lợn mắc bệnh tránh gây ô nhiễm môi trường.

b) Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, tiêu thụ thịt lợn

- Quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển lợn xuất đi tỉnh ngoài.

- Tăng cường kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào địa bàn huyện, quận, nguồn gốc lợn nhập về các cơ sở giết mổ; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch hiện hành.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt và sản phẩm từ lợn trên địa bàn huyện, quận, xã, phường, thị trấn theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3708/BNN-TY ngày 28/5/2019 hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tiếp tục thông tin tuyên truyền, kết nối mở rộng mạng lưới các quầy cung cấp thịt lợn an toàn dịch bệnh, để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong mọi tầng lớp nhân dân.

- Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, cấp đông thịt lợn khỏe mạnh trên địa bàn thành phố, nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn sau dịch.

c) Chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống dịch

- Tổng kết kinh nghiệm của các cơ sở chăn nuôi đã triển khai thực hiện có hiệu quả quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố và phổ biến áp dụng, góp phần khống chế ngăn chặn dịch.

- Khuyến khích doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, liên kết sản xuất chuỗi thịt lợn an toàn dịch bệnh.

- Quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm các hộ chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn khi chưa có công bố hết Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Sau khi có quyết định công bố hết Dịch tả lợn Châu Phi, các hộ chăn nuôi lợn muốn thực hiện tái đàn phải đăng ký và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đồng thời triển khai tái đàn lợn theo hướng dẫn và có sự giám sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/Phòng Kinh tế các quận, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện/quận; các hộ chăn nuôi không tuân thủ quy định trên, sẽ không được nhận chính sách hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra.

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản thay thế sự thiếu hụt thịt lợn và các sản phẩm từ lợn do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố.

[...]