KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 59/2012/QĐ-TTG NGÀY
24/12/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI
NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC XÃ NGHÈO GIAI ĐOẠN 2013 – 2020 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Quyết định số
59/2012/QĐ-TTg ngày 24/ 12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp
pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn
2013-2020; Quyết định số 650/QĐ-BTP ngày 27/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban
hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2013-2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1.
Mục đích
Triển khai thực hiện Quyết định số
59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp
pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn
2013-2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg) bằng các hoạt động
phù hợp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động trợ giúp pháp lý để cung cấp các dịch vụ pháp lý, nâng cao nhận thức, ý thức
chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp
pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn,
bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
2.
Yêu cầu
Thực hiện chính sách trợ giúp pháp
lý đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn và tiến độ.
Triển khai thực hiện các hoạt động
để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý phải đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm,
hiệu quả; lồng ghép với các dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chế độ chi tiêu tài chính đối với
các hoạt động trợ giúp pháp lý đảm bảo theo quy định pháp luật, theo hướng dẫn
của cơ quan có thẩm quyền về quản lý, sử dụng ngân sách;
Tăng cường phối hợp giữa các cơ
quan, ban, ngành có liên quan để thực hiện Kế hoạch.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1.
Hoạt động 1: Tổ chức triển khai, quán triệt nội
dung Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các thành phần là
Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên, Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp
lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn bằng các hình thức phù hợp.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chỉ
đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện.
Thời gian thực hiện: năm 2014.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách địa
phương cấp cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh năm 2014.
2. Hoạt động 2: Cung cấp
dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý khi họ có nhu cầu, bằng
các hình thức: Tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng và
các hình thức khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm thực
hiện.
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
Kinh phí: Ngân sách địa phương;
Ngân sách Trung ương hỗ trợ.
3. Hoạt động 3: Tổ chức
các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,
xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2020, đạt tối thiểu
2 lượt/ xã và 01 lượt/ thôn.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm phối hợp với
Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các
xã có thôn đặc biệt khó khăn; các cơ quan, ban, ngành có liên quan thực hiện.
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách
Trung ương hỗ trợ.
4. Hoạt động 4: Rà soát,
củng cố, kiện toàn, duy trì tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đối với
các Câu lạc bộ đã được thành lập; tiếp tục khảo sát xét thấy cần thiết, phù hợp
với điều kiện thực tế của từng xã có thể thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp
lý tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.
Cơ quan thực hiện:
- Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt
khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.
- Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm
Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm phối hợp với thực hiện.
Thời gian thực hiện: 2014 -
2020.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách
Trung ương hỗ trợ.
5. Hoạt động 5:
- Biên soạn, in ấn, phát
hành miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật
khác: Đạt 100% xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn đặc
biệt khó khăn được cấp phát miễn phí.
- Thu và sao băng cát-xét, đĩa
CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số cấp phát cho các xã đặc biệt khó
khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn đặc biệt khó khăn: Đạt 100% xã, thôn
được cấp phát miễn phí.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm thực hiện.
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách
Trung ương hỗ trợ.
6. Hoạt động 6: Rà soát,
đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Uỷ ban nhân dân,
Trung tâm bưu điện, nhà
sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hoá, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã đặc
biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm thực hiện.
Thời gian thực hiện: Lần 1: năm
2014; bổ sung lần 2 năm 2017.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách Trung
ương hỗ trợ.
7. Hoạt động 7: Cung cấp
Báo Pháp luật Việt Nam cho Ủy ban nhân dân và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý các
xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện theo sự hướng dẫn của Cục
Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp.
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách
Trung ương hỗ trợ.
8. Hoạt động 8: Tăng cường
năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp
lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bao gồm:
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi
dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới
và nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý,
thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
- Hỗ trợ học phí cho viên chức
của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh có các xã nghèo tham gia khóa
đào tạo nghề luật sư tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý;
- Hỗ trợ học phí bồi dưỡng tiếng
dân tộc thiểu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp
pháp lý nhà nước trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
Kinh phí thực hiện: Ngân sách
Trung ương hỗ trợ.
9. Hoạt động 9: Sơ kết,
tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết.
Thời gian thực hiện: theo hướng
dẫn của Trung ương
Kinh phí: Ngân sách địa phương, Ngân sách Trung ương hỗ trợ.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện được đảm bảo
từ Ngân sách địa phương, Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Quyết định
số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ
giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai
đoạn 2013-2020; Quyết định số 650/QĐ-BTP ngày 27/3/2013 của Bộ Tư pháp ban hành
kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ.
Đối với các hoạt động sử dụng
ngân sách địa phương, chi từ kinh phí chi nghiệp vụ cấp hàng năm cho Trung tâm
Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng
dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai Kế
hoạch và kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo quy định tại Quyết
định số 59/2012/QĐ – TTg.
Xây dựng kế hoạch hàng năm triển
khai chính sách trợ giúp pháp lý theo kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với cơ
quan liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh gửi Bộ
Tư pháp trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Trung
ương.
Phối hợp với các sở, ban, ngành
có liên quan lồng ghép các hoạt động khác để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả;
Tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy
ban nhân dân tỉnh định kỳ 6 tháng, năm kết quả thực hiện chính sách trợ giúp
pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó
khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn đặc biệt khó khăn theo quy định và
báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tư pháp tổng hợp
dự toán kinh phí gửi Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo nguồn
ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định.
3. Ban Dân tộc tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và xã hội
Phối hợp cung cấp kịp thời, đầy
đủ thông tin về xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn
đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để thực hiện Kế hoạch.
4. UBND các huyện, thành phố
Phối hợp với Sở Tư pháp trong
việc tổ chức, chỉ đạo UBND các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn
khu và các xã có thôn đặc biệt khó khăn triển khai các chính sách trợ giúp pháp
lý trên địa bàn;
Tham gia kiểm tra, giám sát,
đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý ở địa
phương.
5. Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,
xã an toàn khu và các xã có thôn đặc biệt khó khăn
Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm
phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý thành lập, củng cố và tổ chức sinh hoạt
Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
Phối hợp với Trung tâm trợ giúp
pháp lý thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý khác theo đúng Kế hoạch.
6. Các Sở, ban, ngành liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp
với Sở Tư pháp để thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết, bổ
sung, sửa đổi cho phù hợp./.