Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1620/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 1620/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2024
Ngày có hiệu lực 19/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1620/KH-UBND

Bến Tre, ngày 19 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG NGÀNH DƯỢC TỈNH BẾN TRE

1. Thông tin chung

1.1. Cơ sở bán buôn

Đến cuối năm 2023 có 11 cơ sở bán buôn hoạt động trên địa bàn tỉnh, các cơ sở đều đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GDP). Hoạt động của các cơ sở bán buôn chủ yếu cung ứng thuốc cho các cơ sở bán lẻ trong tỉnh và có 01 cơ sở bán buôn có phạm vi phân phối toàn quốc. Với chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, Sở Y tế và các ban, ngành liên quan luôn định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đúng quy định.

1.2. Cơ sở bán lẻ

Toàn tỉnh có hơn 1.800 cơ sở bán lẻ. Số lượng các cơ sở bán lẻ ngày càng tăng, mạng lưới cung ứng thuốc không ngừng mở rộng đến tận vùng xa, đặc biệt là hoạt động của hệ thống chuỗi nhà thuốc đã đảm bảo đủ thuốc thiết yếu đạt chất lượng, giá hợp lý phục vụ Nhân dân.

1.3. Tình hình sản xuất thuốc

Có 03 doanh nghiệp sản xuất tân dược và 01 Doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy phép hoạt động gồm Công ty Liên doanh Meyer-BPC, Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre, Công ty TNHH Dược phẩm Nam Việt và Công ty TNHH kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp và dịch vụ FATACO.

1.4. Hoạt động kiểm nghiệm thuốc

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tổ chức lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc trung bình 20 đợt đi lấy mẫu thuốc/năm, thực hiện kiểm nghiệm theo kế hoạch trên 600 mẫu thuốc/năm. Tuy nhiên, Trung tâm chưa đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP), nhiều thiết bị đã cũ, kinh phí hoạt động hạn chế nên việc bảo trì, kiểm định thiết bị không thường xuyên gây ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị.

1.5. Hoạt động dược lâm sàng

Trên địa bàn tỉnh có 06 Bệnh viện và 06 Trung tâm Y tế đa chức năng có giường bệnh, các đơn vị đều có phân công cán bộ phụ trách dược lâm sàng, bước đầu hoạt động dược lâm sàng đã góp phần chấn chỉnh việc kê đơn, sử dụng thuốc tại các bệnh viện, đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

1.6. Nhân lực dược

Đến cuối năm 2023 đạt 3,3 dược sĩ/10.000 dân, trong đó có 10% dược sĩ chuyên khoa dược lâm sàng. Các Bệnh viện và Trung tâm Y tế trong tỉnh đều có

dược sĩ trình độ đại học và sau đại học phụ trách khoa dược, hầu hết các đơn vị đều có dược sĩ chuyên khoa dược lâm sàng.

1.7. Thực hiện lộ trình kho đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP)

Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện GSP, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp địa phương tổ chức thực hiện. Đến cuối năm 2023 tất cả các cơ sở điều trị công lập đã thực hiện công bố kho thuốc và vắc xin đạt GSP theo lộ trình của Bộ Y tế, 16 cơ sở điều trị tư nhân có kho bảo quản vắc xin đã thực hiện công bố GSP theo quy định.

2. Kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Kế hoạch số 6210/KH-UBND)

2.1. 100% thuốc thiết yếu được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn

Đến cuối năm 2020 mạng lưới các cơ sở bán lẻ thuốc đã phát triển rộng khắp đến địa bàn các xã, phường với 03 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 08 doanh nghiệp bán buôn thuốc, hơn 1.600 cơ sở bán lẻ thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các thuốc thiết yếu kịp thời với giá hợp lý.

2.2. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng số tiền sử dụng thuốc tại các bệnh viện (mục tiêu đến năm 2020 bệnh viện tuyến tỉnh đạt 55%, bệnh viện tuyến huyện đạt 85%)

Đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh đạt 67,2% và bệnh viện tuyến huyện đạt 83,1%. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước qua từng năm có tăng, tuy nhiên giá trị sử dụng thuốc tại các cơ sở điều trị tuyến huyện chưa đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do thuốc sản xuất trong nước có giá trị thấp hơn so với thuốc nhập khẩu và nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào kết quả trúng thầu tại mỗi đơn vị.

2.3. Tỷ lệ sử dụng vắc xin sản xuất trong nước tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đạt 30%

Tỷ lệ sử dụng vắc xin sản xuất trong nước hàng năm ở mức 10%. Do người dân khi tiêm dịch vụ luôn có tâm lý chọn vắc xin nhập khẩu, mặt khác chủng loại vắc xin sản xuất trong nước còn ít (vắc xin: Viêm gan B, Viêm não Nhật bản, Uốn ván ...), đây không phải là các vắc xin chủ lực, số lượng sử dụng không nhiều như một số vắc xin nhập khẩu khác (Vắc xin: 6 trong 1; 4 trong 1; Viêm phổi; Phế cầu; Thủy đậu, Dại…).

[...]