Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 161/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2016
Ngày có hiệu lực 24/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 161/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh khá cao (115 nam/100 nữ) so với mức trung bình trong cả nước. Với quy mô dân số lớn, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao, số sinh trung bình mỗi năm khoảng 50 ngàn trẻ em, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao là một thách thức lớn đối với ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội.

Nhằm kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, gồm các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát và giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.

- Từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững của gia đình, cộng đồng và xã hội; làm chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh hợp lý, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả nước.

2. Yêu cầu

- Kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương.

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

- Lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, dự án khác của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương để đảm bảo tính hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

- Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh ít nhất là 0,4 điểm phần trăm/năm, đến năm 2020 duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức 113 nam/100 nữ.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi thực hiện

- Phạm vi thực hiện: 20 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

- Địa bàn triển khai: 300 xã của 20 huyện, thị xã, thành phố (lựa chọn 60% số xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao).

2. Đối tượng thực hiện

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Người có liên quan đến chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi, cung cấp dịch vụ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác Dân số - KHHGĐ.

- Các gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh thiếu niên.

III. NỘI DUNG

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành:

1.1. Tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, động viên, khen thưởng của địa phương phù hợp với quy định của pháp luật trong việc thực hiện kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

1.2. Đưa chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hàng năm.

1.3. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện không lựa chọn giới tính thai nhi.

2. Các hoạt động cụ thể:

[...]