Kế hoạch 1605/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1605/KH-UBND
Ngày ban hành 01/09/2017
Ngày có hiệu lực 01/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1605/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 01 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2012 - 2016” ĐẾN NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2012 - 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đến năm 2021 đạt được các mục tiêu đã đề ra.

- Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trong đó Hội Luật gia các cấp từ Tỉnh hội đến các Huyện, Thành, Thị hội và các Chi hội trực thuộc đóng vai trò quan trọng.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội và Hội viên Hội Luật gia. Phấn đấu đến năm 2021, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác PBGDPL, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

2. Yêu cầu:

- Việc phổ biến, quán triệt và thực hiện Đề án phải kịp thời, sâu rộng, có chất lượng; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì là Hội Luật gia tỉnh với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

- Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân, tập trung các địa bàn trọng điểm, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các đối tượng yếu thế và những địa bàn có nhiều bức xúc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Các hoạt động triển khai phải sát với nội dung của Đề án, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể với các Kế hoạch khác về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành; kế thừa, phát huy kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2016, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình từ nay đến năm 2021.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:

1. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tế tổ chức và hoạt động của mỗi cấp Hội và nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017.

- Sản phẩm: Kế hoạch hoạt động, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ

2. Tổ chức quán triệt nội dung Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cho các cấp Hội và Hội viên Hội Luật gia theo quy mô, hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017.

- Sản phẩm: Hội nghị phổ biến, quán triệt

3. Nâng cao năng lực cho các cấp Hội Luật gia, tổ chức xã hội trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

3.1. Tiến hành rà soát, đánh giá nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tại Hội Luật gia các cấp, Hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương đảm bảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ tốt.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội nhề nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên

[...]