Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2016 về phòng, chống dịch cúm gia cầm năm 2017 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 159/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2016
Ngày có hiệu lực 24/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM NĂM 2017

Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim và động vật có vú (bao gồm cả người). Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (vi rút cúm A/H7N9).

Tại tỉnh Phú Yên nguy cơ tái phát những ổ dịch cũ và lây lan ra diện rộng là rất lớn.

Thực hiện Công văn số 3655/BNN-TY ngày 10/5/2016 về việc xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bằng nguồn ngân sách địa phương; Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 280/TTr-SNN ngày 14/10/2016), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2017 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục khống chế bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao một cách bền vững trong năm 2017, nhằm phát triển chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giảm thiểu nguy cơ phát sinh các ổ dịch cúm gia cầm; không để xảy ra các ổ dịch lớn, lây lan diện rộng từ đó giảm thiểu các trường hợp bệnh cúm gia cầm lây sang người.

2. Mục tiêu cụ thể:

Giảm tỷ lệ đàn gia cầm có lưu hành vi rút cúm gia cầm H5N1, H5N6, …

Tỷ lệ tiêm phòng tại các địa bàn trọng yếu đạt trên 80% gia cầm trong diện tiêm;

Giảm thiểu nguy cơ các chủng vi rút mới như: Cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 xâm nhập vào tỉnh qua hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi chủng vi rút mới xâm nhập vào tỉnh.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM.

1. Khi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận chưa có dịch cúm gia cầm:

1.1 Phòng bệnh bằng vắc xin:

- Đối tượng tiêm phòng:

+ Trang trại, cơ sở nuôi gia cầm tập trung: Gia cầm giống, gia cầm trứng thương phẩm, gia cầm nuôi thịt với thời gian nuôi trên 45 ngày, trừ trường hợp được miễn tiêm phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình: Gà, vịt, ngan, chim cút và một số đối tượng gia cầm mẫn cảm khác do Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định.

- Phạm vi tiêm phòng: Trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian tiêm phòng:

+ Tổ chức tiêm phòng theo quy trình nuôi và định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, đàn gia cầm hết thời gian miễn dịch bảo hộ.

+ Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

- Căn cứ vào thông báo chủng vi rút lưu hành tại thực địa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định đối tượng, phạm vi tiêm phòng và chủng loại vắc-xin sử dụng để phòng, chống bệnh Cúm gia cầm cho phù hợp.

- Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng vùng, miền, trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả tiêm phòng.

1.2. Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc:

Sử dụng hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, các chợ buôn bán gia cầm, phương tiện vận chuyển, khu vực có ổ dịch xảy ra, các ổ dịch cũ và những khu vực có nguy cơ cao… theo hướng dẫn tại phụ lục 8 hướng dẫn chung về vệ sinh, khử trùng tiêu độc, ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

[...]