Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2021 triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 155/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG, ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, sản xuất kinh doanh than; sản xuất, kinh doanh điện; xăng dầu; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao...; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường của địa phương.

d) Áp dụng hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

đ) Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp về đo lường.

b) Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Huy động nguồn lực xã hội và cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường tiềm lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

c) Thực hiện công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ từng khâu, từng lĩnh vực trong hoạt động theo đúng quy định của Luật Đo lường.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 - 2025

a) Phát triển được ít nhất 05 chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước và đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp.

b) Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 120 lượt người tham gia hoạt động đo lường.

c) Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo đúng hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho ít nhất 02 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

d) Triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường, ít nhất 02 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn thành phố cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Giai đoạn 2026 - 2030

a) Hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa ít nhất 05 chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp.

b) Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, ít nhất 150 lượt người tham gia hoạt động đo lường.

c) Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho ít nhất 03 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 30 lượt doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

d) Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường, ít nhất 03 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn thành phố cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp

a) Xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; trong đó, tập trung vào các ngành lĩnh vực: xăng dầu, điện, nước, giao thông vận tải, cơ khí chế tạo, viễn thông gắn với nền kinh tế số, dịch vụ logistics, nông nghiệp công nghệ cao...

[...]