Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2021 về khôi phục hoạt động cảng cá, tàu cá xuất bến khai thác hải sản trở lại trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 142/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2021
Ngày có hiệu lực 20/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Nguyễn Công Vinh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 20 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHÔI PHỤC HOẠT ĐỘNG CẢNG CÁ, TÀU CÁ XUẤT BẾN KHAI THÁC HẢI SẢN TRỞ LẠI TRONG ĐIỀU KIỆN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc;

Căn cứ Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”;

Căn cứ Hướng dẫn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

Căn cứ Công văn số 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở lao động sản xuất kinh doanh;

Căn cứ Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 02/9/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19;

Căn cứ Thông báo số 679-TB/TU ngày 17/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 17/9/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch khôi phục hoạt động cảng cá, tàu cá xuất bến khai thác hải sản trở lại trong điều kiện phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. TÌNH HÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

Toàn tỉnh có tổng cộng 5.771 tàu cá, trong đó: Tàu cá hoạt động vùng khơi có 2.867 chiếc (chiếm 49,7%), tàu cá hoạt động vùng lộng có 721 chiếc (chiếm 12,48%), tàu khai thác vùng ven bờ có 1.878 chiếc (chiếm 32,55%), tàu cá chiều dài dưới 6m có 305 chiếc, chiếm 5,3% so tổng số tàu của tỉnh, số lượng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: 2.555/2.867 tàu (đạt 89,12%), chủ yếu các nghề khai thác như: Nghề lưới rê, nghề câu vàng, nghề lưới kéo đáy, nghề chụp, nghề câu, nghề lưới vây,... Tổng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trung bình khoảng 350.000 tấn. Số lượng lao động nghề khai thác thủy sản khoảng 30.200 lao động.

Về cơ sở dịch vụ hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Có 13 cảng cá (gồm 08 cảng loại II; 02 cảng cá loại III đã được công bố; 03 cảng cá chưa đủ thủ tục công bố cảng loại III) và 03 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. (có 05 cảng cá được công bố có đủ hệ thống xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác gồm: Cảng Cơ khí tàu thuyền, Cát Lở Vũng Tàu, cảng cá Hưng Thái; Cảng cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm 02 cơ sở: Cơ sở 1 tại xã Lộc An và cơ sở 2 tại xã Bình Châu)}, năng lực bốc dỡ hàng hóa, thủy sản qua cảng khoảng 498.000 tấn/năm.

Về doanh nghiệp tham gia chế biến có tổng cộng 160 doanh nghiệp, trong đó hiện có 30 doanh nghiệp tham ký hợp đồng xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước lớn có tim năng như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Đông.

Việc tạm dừng tàu cá xuất bến do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; nếu tàu cá tiếp tục nằm bờ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khoảng thời gian tháng 10, tháng 11 là thời điểm quan trọng cho mùa vụ cá, đây là cơ hội thuận lợi để ngư dân tham gia các hoạt động đánh bắt hải sản; sang tháng 12 diễn biến thời tiết bão, áp thấp nhiệt đới thường gây bất lợi cho tàu cá hoạt động khai thác trên biển. Do đó, việc sớm khôi phục hoạt động cảng cá, tàu cá xuất bến khai thác hải sản trở lại là hết sức cấp thiết.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cảng cá, tàu cá hoạt động khai thác hải sản và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.

2. Yêu cầu:

- Hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”.

- Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng theo Kế hoạch và thống nhất trong việc chỉ huy, điều hành hoạt động tại các cảng cá trực thuộc địa bàn quản lý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

III. CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN:

Chủ cảng cá phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo hướng dẫn tại: Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19; Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế; Hướng dẫn số số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế và hướng dẫn của UBND tỉnh tại văn bản số 9547/UBND-VP ngày 30/7/2021 để xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị.

1. Điều kiện để cảng cá, các cơ sở sản xuất, dịch vụ hậu cần trong cảng cá hoạt động trở lại:

1.1. Đối với hoạt động cảng cá:

- Ban Quản lý cảng cá phải xây dựng Kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh của cảng (trong đó cn phải có phòng cách ly y tế tạm thời, Tổ y tế thường trực, lắp đặt camera tại cảng) gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phê duyệt.

- Tùy theo diễn biến của dịch bệnh tại các địa bàn, áp dụng một trong các phương án sau:

+ Cảng cá sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện, thị xã, thành phố (gọi chung huyện) là vùng xanh thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc.

+ Cảng cá có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện là vùng xanh được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Điều kiện bắt buộc là cảng cá phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng người lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận (gọi chung là xã); người lao động phải cam kết di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc theo đúng lịch trình đã đăng ký (không dừng, đỗ dọc đường).

[...]