Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2021 về hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Số hiệu 142/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2021
Ngày có hiệu lực 30/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ TIÊU THỤ MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG SẢN CỦA TỈNH TRONG TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Căn cứ Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để hạn chế các tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản Tuyên Quang năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phấn đấu cơ bản tiêu thụ hết sản lượng một số sản phẩm nông sản (Na, Bưởi, Cam, các sản phẩm nông sản khác) theo mùa vụ, đảm bảo ổn định về giá và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chế biến, kết nối tiêu thụ để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang.

- Phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.

II. PHƯƠNG ÁN TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG SẢN

1. Phương án 1: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội

1.1. Mục tiêu:

- Phấn đấu tiêu thụ 2.300 tấn Na, 30.800 tấn Bưởi, 95.500 tấn Cam và các sản phẩm nông sản khác với mức giá hợp lý, ổn định.

- Đẩy mạnh hoạt động chế biến, tiêu thụ tại thị trường trong nước, đảm bảo mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới".

1.2. Phương án chi tiết

1.2.1. Sản phẩm Na

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm Na: Khoảng 40% sản phẩm tiêu thụ trong tỉnh, 60% sản phẩm tiêu thụ ngoại tỉnh.

- Tiêu thụ trong tỉnh: Khoảng 920 tấn thông qua các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm bán hàng OCOP, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động. Mở thêm một số điểm hỗ trợ tiêu thụ tại trung tâm các huyện, thành phố.

- Tiêu thụ ngoài tỉnh: Khoảng 1.380 tấn thông qua thương lái tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… ; tiêu thụ thông qua nền tảng online như: Zalo, Facebook, ...

1.2.2. Sản phẩm Bưởi

Thị trường tiêu thụ Bưởi: Khoảng 30% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh, 70% sản lượng tiêu thụ ngoại tỉnh.

- Tiêu thụ trong tỉnh: Khoảng 9.300 tấn, thông qua các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm bán hàng OCOP, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động.

- Tiêu thụ ngoại tỉnh khoảng 21.500 tấn, cụ thể:

+ Tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Giang…: Dự kiến khoảng 8.000 tấn.

+ Tiêu thụ qua thương lái tại Các chợ đầu mối (sản lượng tiêu thụ chủ yếu): Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Long Biên (Hà Nội); Hòa Cường (Đà Nẵng); Thành phố Hồ Chí Minh…: Dự kiến khoảng 7.000 tấn.

+ Tiêu thụ qua các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, Lotte, Co.opmart, Co.opFood, Fivimart và Citimart, Vincom…: Dự kiến khoảng 4.500 tấn.

+ Tiêu thụ thông qua các Sàn Thương mại điện tử (Sendo, Voso, P ostMart, Cuccu, Shopee…), kinh doanh trên nền tảng online: Dự kiến khoảng 2.000 tấn.

[...]