Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2018 thực hiện công tác tham mưu, chấn chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2018
Ngày có hiệu lực 05/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Bùi Văn Khánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 05 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC THAM MƯU, CHẤN CHỈNH TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH; NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC DỰ ÁN

Nhằm tiếp tục tăng cường, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tham mưu, chấn chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chương trình số 54/CTr-UBND ngày 08/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình. Trong đó, chú trọng đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải; Nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nâng cao chất lượng thẩm định Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định và xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Theo dõi, giám sát, đánh giá và chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh tại địa phương, cơ sở.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

- Đảm bảo việc thẩm định, kiểm soát các hồ sơ về môi trường đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, chấn chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức chính trị - xã hội (đã ký kết), nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi, đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận theo thẩm quyền, xem đây là công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Thẩm định chặt chẽ các nội dung về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo đủ kinh phí để phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác.

- Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh; xác định các “điểm nóng” về môi trường để tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý.

- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các dự án được Bộ thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM trên địa bàn.

- Triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động nước thải của các cơ sở có nguồn thải lớn.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu tăng mức đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho hoạt động bảo vệ môi trường, bố trí vốn cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

- Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành và địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khâu thẩm định, tham mưu quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động các dự án đầu tư, doanh nghiệp. Không tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép hoạt động đối với các dự án, doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.

1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phòng chống và xử lý nghiêm các vi phạm chặt phá, chiếm dụng, khai thác trái phép tài nguyên đa dạng sinh học.

- Tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng chương trình khuyến khích, hỗ trợ công nghệ sản xuất sạch, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

- Tích cực triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm việc đánh giá tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xét duyệt công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.

1.4. Sở Xây dựng

[...]