Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 14/KH-BCĐ thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2023

Số hiệu 14/KH-BCĐ
Ngày ban hành 04/01/2023
Ngày có hiệu lực 04/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/KH-BCĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG NĂM 2023

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026; Ban Chỉ đạo trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hoá các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khoá XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung của Phong trào nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi bệnh hình thức, đặc biệt chú trọng văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện các nội dung của Phong trào hiệu quả, với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; lồng ghép với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

- Xây dựng chương trình phối hợp giữa các cơ quan thành viên thực chất, hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp; áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền các gương điển hình, gương người tốt, việc tốt, phù hợp với từng nhóm đối tượng; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Phong trào tại các địa phương nhằm nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt về cơ chế chính sách, từ đó đề xuất, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

2. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu.

3. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới.

4. Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

5. Lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu Ban Chỉ đạo trung ương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung hoạt động của Phong trào. Nghiên cứu các mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được tổng kết, đánh giá để nhân rộng toàn quốc.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp.

- Phát động triển khai Bộ tiêu chí “Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

- Phối hợp với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo trung ương xây dựng nội dung phối hợp về các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, trật tự an toàn xã hội, môi trường; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Đô thị văn minh” trong bình xét nông thôn mới.

- Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan Thành viên Ban Chỉ đạo trung ương kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Phong trào tại các địa phương; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

2. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức thành viên: tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư và toàn xã hội thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tham gia chỉ đạo và giám sát việc thực hiện quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh.

[...]