Kế hoạch 135/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Bắc Kạn năm 2023

Số hiệu 135/KH-UBND
Ngày ban hành 02/03/2023
Ngày có hiệu lực 02/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 02 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 07/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Bắc Kạn năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả tối đa đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu,...

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hình thức chuyển đổi linh hoạt, chỉ chuyển đổi trồng cây khác khi xác định có hiệu quả cao hơn.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.

2. Yêu cầu

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

- Việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải theo hướng tập trung tạo thành vùng sản xuất gắn với thị trường, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã đồng thời việc lựa chọn loại cây trồng để chuyển đổi phải đảm bảo với định hướng phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phù hợp với các quy hoạch về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại được hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết.

II. KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP

1. Kế hoạch

Trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tổng diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là 2.036 ha. Trong đó:

Diện tích duy trì chuyển đổi là 1.930 ha.

Diện tích chuyển đổi mới trong năm 2023 là 106 ha, trong đó: Chuyển sang trồng cây hàng năm là 79 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 20 ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa là 7 ha (Chi tiết tại phụ lục gửi kèm).

2. Giải pháp

2.1. Thông tin tuyên truyền:

Tăng cường tuyên truyền phổ biến quan điểm, chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để có hiệu quả cao hơn đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đến mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền phổ biến các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao để nhân rộng trên địa bàn.

2.2. Xây dựng kế hoạch và tăng cường quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, các địa phương căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng địa phương đảm bảo đúng quan điểm, yêu cầu và nguyên tắc chuyển đổi.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn, đảm bảo thực hiện chuyển đổi đúng theo quy hoạch, kế hoạch và đúng quy định.

2.3. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp:

Ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp. Đặc biệt quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

2.4. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại:

Lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, diễn đàn chuyên ngành nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích thị trường; đẩy mạnh quan hệ, giao dịch với đối tác để lựa chọn sản phẩm đưa vào sản xuất vừa phát huy được lợi thế cho năng suất, chất lượng vừa có thị trường tiêu thụ ổn định.

2.5. Giải pháp về cơ chế chính sách:

[...]